Bắc Kinh tiếp tục chỉ trích các động thái "đổ thêm dầu vào lửa" mới đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nhà phân tích Trung Quốc thậm chí cảnh báo đó là dấu hiệu làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Khẩu chiến
Trong một thông điệp đăng tải trên Twitter ngày 25/7, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đang cố tình "chơi xấu" khi tấn công vào các nông dân Mỹ để buộc ông phải nhượng bộ về thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: RT |
"Trung Quốc đang nhắm vào các nông dân của chúng ta (Mỹ), những đối tượng họ biết tôi vô cùng yêu quý và kính trọng, theo một cách buộc tôi buộc tôi phải tiếp tục cho phép họ lợi dụng Mỹ. Họ đang chơi xấu và sẽ thất bại. Chúng ta vẫn chơi đẹp cho tới hiện tại! Trung Quốc đã khai thác 517 tỉ USD từ chúng ta năm ngoái", lãnh đạo Nhà Trắng viết.
Các phát biểu lên án Trung Quốc được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính quyền của ông Trump công bố sẽ triển khai một kế hoạch tài trợ 12 tỉ USD nhằm bù đắp ảnh hưởng của các biện pháp tăng thuế trả đũa từ Trung Quốc và các nước khác đối với các mặt hàng nông sản Mỹ.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue, kế hoạch trên chỉ là một giải pháp ngắn hạn, nhằm chống lại phản ứng "bất hợp pháp" của Trung Quốc, Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU) và một số nền kinh tế khác trước các động thái trừng phạt thương mại cứng rắn của Washington.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, các tranh chấp thương mại do Mỹ khởi xướng sẽ không mang lại kết quả. Quan chức này cho rằng, không ai chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Ông kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump "lắng nghe tiếng nói lí trí ở trong nước, các yêu cầu chính đáng của cộng đồng quốc tế, nhận thức được tình hình và từ bỏ con đường sai lầm".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tái nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh về việc sẽ "ăn miếng, trả miếng" tương xứng trước các động thái "gây hấn" của Washington.
Ẩn ý sau các động thái "ăn miếng, trả miếng"
Theo các dữ liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Tổng cục hải quan Trung Quốc, trong năm 2017, nước này đã nhập khẩu khoảng 24,1 tỉ USD các mặt hàng nông sản Mỹ, tức là chiếm gần 1/5 tổng trị giá hàng nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc năm ngoái.
Ngày 6/7, Bắc Kinh đã trả đũa việc Washington áp thuế mới đối với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, trị giá tổng cộng 34 tỉ USD bằng các biện pháp tăng thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả nhiều mặt hàng thế mạnh như đậu tương, thịt bò, thịt lợn, cao lương và trái cây. Mức thuế suất nhập khẩu mới của Trung Quốc chủ yếu tác động đến những người làm nông nghiệp ở vùng Trung Tây Mỹ, một khu vực cử tri trọng yếu đối với Tổng thống Trump và các chính trị gia Cộng hòa.
Theo nhận định của tờ South China Morning Post, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã có "đòn phản công chính xác" nhằm gây áp lực đối với Tổng thống Trump và đảng của ông trước các cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây.
Liu Weidong, một chuyên gia về các mối quan hệ Mỹ tại Viện Nghiên cứu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói, mới chỉ 20 ngày kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu áp thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa Mỹ, nên hiện còn quá sớm để tuyên bố chúng có hiệu quả hay không.
Song, ông Liu cho rằng, kế hoạch hỗ trợ nông dân của Washington có thể là một biện pháp phòng ngừa, nhằm giúp ông Trump xoa dịu cử tri tại các khu vực then chốt. Lãnh đạo Nhà Trắng có thể đang e sợ, cử tri tại những nơi này có thể tái cân nhắc sự ủng hộ đối với ông nếu các biện pháp tăng thuế của Trung Quốc gây hậu quả nặng nề.
Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nhận xét thêm rằng ông Trump có thể cũng muốn chứng tỏ cho Trung Quốc và các nước khác thấy, ông rất quả quyết khi châm ngòi chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Pan Rui thuộc Đại học Phục Đán (Thượng Hải) khuyến cáo, Trung Quốc không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của các cuộc bầu cử giữa kỳ đối với ông Trump. "Ngay cả nếu đảng Cộng hòa mất một số ghế, ông Trump cũng ít khả năng có những thay đổi lớn đối với các chính sách ngoại giao của mình", chuyên gia Pan nói.
Ông Pan đánh giá, kế hoạch trợ cấp cho nông dân của Washington ám chỉ, hoặc ông Trump muốn gây "áp lực tối đa" hoặc ông đang coi Trung Quốc như đối thủ chiến lược cần được chế ngự bằng mọi giá. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC hôm 20/7, ông Trump từng đe dọa sẵn sàng áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng Trung Quốc, trị giá tổng cộng tới 500 tỉ USD, tức là tương đương tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ mỗi năm.
Giới quan sát cảnh báo, việc cả Mỹ và Trung Quốc không chịu xuống thang, nhượng bộ lẫn nhau đang đẩy thế giới đối mặt với một cuộc chiến thương mại trên diện rộng. Không chỉ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng mà các quốc gia khác cũng sẽ hứng chịu tác động tiêu cực vì những đòn trả đũa liên hoàn, "cả về chất lượng và số lượng" giữa họ.
Tuấn Anh
Vì sao TQ im lặng bất thường trước đe dọa mới của ông Trump?
Ba ngày trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu bổ sung với 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn im lặng một cách bất thường.
Năm cú đấm thép TQ sẽ đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hứng chịu những đòn choáng váng của Washington, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng. Đòn phản công đó của Trung Quốc là gì?
Châu Á ra sao giữa 'đại chiến' thương mại Mỹ-Trung?
Một cuộc bùng nổ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho các nền kinh tế châu Á khác.
Thế giới 24h: Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại
Trung Quốc cáo buộc Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại giữa hai nước, sau khi Tổng thống Trump phê chuẩn áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trung Quốc lộ điểm yếu, muốn tránh chiến tranh thương mại với Mỹ?
Dù cố thể hiện sự áp đảo, nhưng Trung Quốc dường như nhận thức rõ điểm yếu của mình và đang tìm cách tránh chiến tranh thương mại với Mỹ.
Các nước đồng minh 'tấn công' ông Trump, cảnh báo chiến tranh thương mại
Các nước đồng minh Mỹ đồng loạt chỉ trích quyết định tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép của Tổng thống Trump, đồng thời cảnh báo nguy cơ chiến tranh thương mại.
Giải mã nguyên nhân căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Bộ trưởng Tài chính Mỹ vừa dẫn đầu một phái đoàn cấp cao của Washington tới Bắc Kinh để đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại leo thang giữa nước này với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ tung "chiêu độc" nếu chiến tranh thương mại với Mỹ?
Giới phân tích nhận định, nếu xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể phản công bằng những chiêu thức độc đáo, khác thường.
"Quân bài bí mật" của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với TQ
Việc Mỹ hạn chế đầu tư của Trung Quốc sẽ làm chao đảo các thị trường thế giới. Song, đó có thể là "quân bài chiến lược" trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung.