Sóng gió bủa vây
7 ngày vừa qua là một tuần đặc biệt tồi tệ đối với Tổng thống Trump. Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng do ông bổ nhiệm đã nói rõ sẽ không ủng hộ quyết định của Tổng thống về việc viện dẫn một đạo luật 213 năm tuổi để điều quân đội đến trấn áp các cuộc biểu tình đòi công lý cho công dân gốc Phi George Floyd ở Minneapolis, bang Minnesota.
Tổng thống Donald Trump đang dốc sức vì mục tiêu tái cử nhiệm kỳ 2. Ảnh: Reuters |
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, một trong những vị tướng được kính trọng nhất ở Mỹ và từng là đồng minh của ông Trump, cũng ra tuyên bố cáo buộc tổng thống đương nhiệm không cố gắng đoàn kết, mà thay vào đó đang chia rẽ đất nước. Trong một bình luận mới, John Kelly, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời ông Trump thậm chí khuyên các cử tri "hãy xem xét kỹ người họ chọn, cũng như đặt câu hỏi về tính cách và đạo đức của người đó".
Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Joe Biden, người đại diện đảng Dân chủ đấu trực tiếp với ông Trump trong ngày bầu cử quốc gia 7/11 tới đây, đã đề cập đến khả năng chiến thắng và tái giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, cơ quan có quyền quyết định các bổ nhiệm cho Tòa án tối cao Mỹ, cho đảng của ông.
Theo tạp chí Economic Times, tuần qua kết thúc bằng việc chính khách kỳ cựu Colin Powell, Ngoại trưởng dưới thời cựu Tổng thống Cộng hòa George W Bush thông báo sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, với lí do ông Trump đã "xa rời Hiến pháp".
7 ngày vừa qua có thể là khoảng thời gian tồi tệ nhất kể từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng và như cố Thủ tướng Anh Harold Wilson từng phát biểu hồi những năm 1960, rằng "một tuần là khoảng thời gian dài trong chính trị". Song, vẫn còn gần 5 tháng trước ngày tổng tuyển cử quốc gia, khi các cử tri Mỹ không chỉ bỏ phiếu bầu tổng thống mà còn bầu chọn 1/3 trong tổng số 100 ghế của Thượng viện và toàn bộ 435 ghế của Hạ viện, cơ quan lập pháp hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây hé lộ, ứng viên Biden đang dẫn trước về tỉ lệ tín nhiệm của cử tri, trong khi sự ủng hộ dành ông Trump của các cử tri da trắng (nhóm chiếm đa số, tới 67% số công dân đủ điều kiện đi bầu cử năm 2020 ở Mỹ, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Pew), đặc biệt là các cử tri ở vùng nông thôn và các cử tri độc lập, không đăng ký là thành viên của đảng Dân chủ hay Cộng hòa, lại đang sụt giảm mạnh.
Cơ hội tái cử
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thận trọng cho rằng, mọi việc hiện vẫn chưa có gì chắc chắn. Cách đây 4 năm, các cuộc thăm dò dư luận từng dự đoán Hillary Clinton sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Vào năm 2016, bà Clinton thực tế giành được nhiều phiếu phổ thông hơn ông Trump, nhưng lại thua ông về tổng số phiếu đại cử tri giành được từ cả 50 bang toàn quốc.
Ông Trump đã giành chiến thắng chung cuộc nhờ đánh bại đối thủ Dân chủ ở các bang then chốt có nhiều phiếu đại cử tri như Wisconsin, Michigan, Ohio, Florida và thậm chí cả Pennsylvania, nơi cha của bà Clinton sinh ra và lớn lên thời niên thiếu.
Bốn năm đã trôi qua và Tổng thống Trump đang đối mặt với sự chống đối của một bộ phận không nhỏ cử tri, "hành trang ngoài ý muốn" mà bất kỳ lãnh đạo Nhà Trắng nào cũng phải mang theo khi ngồi "ghế nóng". Trong trường hợp của ông Trump, mọi thứ có vẻ còn tồi tệ hơn do phong cách lãnh đạo bị nhiều người mô tả là "thất thường" cùng các tuyên bố, thông điệp Twitter đầy ngẫu hứng và gây sốc.
Song, chiến dịch vận động tái cử của ông Trump có các nguồn lực tài chính lớn mạnh. Tương tự như năm 2016, ông Trump tiếp tục chứng tỏ bản thân là một chính khách đầy quyết đoán, tự tin và không hề có dấu hiệu chùn bước trước bất kỳ trở ngại nào. Bên cạnh đó, ông đang có trong tay sự ủng hộ nhiệt thành của các cử tri Cộng hòa, đặc biệt là những cử tri thuộc tầng lớp lao động, da trắng và không học đại học tại các bang trọng yếu. Đối thủ Biden nhận định, nhóm cử tri trung thành với ông Trump này hiện chiếm khoảng 10 - 15% tổng số cử tri toàn quốc, trong khi một vài phỏng đoán trước đây cho rằng con số có thể lên tới 30%.
Bất kể ra sao, trong những tuần trước ngày tổng tuyển cử 2020, ông Trump dự kiến sẽ phải dốc toàn lực để chống lại đối thủ, có thể tập trung vào cáo cáo buộc rằng con trai của ông Biden - Hunter Biden là đối tác của một hãng tư vấn đã nhận tới 3,4 triệu USD từ tập đoàn năng lượng hàng đầu Ukraina Burisma trong vòng 19 tháng, kể từ tháng 4/2014 - 11/2015, lúc ông Biden vẫn còn đương chức Phó tổng thống Mỹ. Con trai ông Biden cũng bị tố cáo có chân trong hội đồng quản trị của Burisma một thời gian dù không có bằng cấp chuyên môn.
Những cáo buộc lạm dụng quyền lực để gây sức ép buộc lãnh đạo Ukraina phải điều tra cha con Biden hồi năm ngoái đã khiến ông Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Song, rốt cuộc, ông vẫn được Thượng viện nằm dưới sự kiểm soát của các đồng minh Cộng hòa, ra phán quyết tha bổng.
Làn sóng biểu tình, bạo loạn bùng phát khắp nước Mỹ sau cái chết của Floyd cùng với những chỉ trích nhằm vào cách ứng phó của ông Trump, đặc biệt là quyết định điều Vệ binh quốc gia đến trấn áp biểu tình ở thủ đô, đang khiến lãnh đạo Nhà Trắng lâm vào thế bí. Song, các cuộc bạo loạn xảy ra vào mùa hè của năm bầu cử 1968 sau vụ ám sát mục sư, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. cũng tồi tệ không kém và thậm chí có thể còn trầm trọng hơn.
Và trong những tháng then chốt trước tổng tuyển cử năm 1968, ứng viên Cộng hòa Richard Nixon đã vận động tranh cử với luận điểm rằng đa số các cử tri đều không ủng hộ biểu tình bạo lực, trong khi ông tập trung khắc họa bản thân là người mạnh về luật pháp và trật tự. Song, Nixon có lợi thế là ông đang chống lại ứng cử viên Dân chủ Hubert Humphrey, Phó tổng thống trong chính quyền Johnson, vốn đang phải chịu điều tiếng về sự gia tăng can dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, đi ngược lại mong muốn của đông đảo người dân trong nước.
Đây cũng là khía cạnh ông Trump phần nào ghi điểm dù là tổng thống đương nhiệm. Ông Trump đã cắt giảm sự can dự của quân đội Mỹ không chỉ ở Iraq mà cả Afghanistan và Syria. Ông đã cho rút hàng trăm lính Mỹ và đang cố gắng đàm phán dàn xếp với Taliban ở Afghanistan.
Dù cũng có ý kiến chỉ trích tổng thống Mỹ đang bỏ rơi các đồng minh ở Trung Đông, nhưng những người ủng hộ phản bác rằng, ông Trump ít nhất đang giữ cho Mỹ tránh dính líu đến các cuộc chiến mới, đồng thời cố gắng đưa nước này thoát khỏi các vũng lầy xung đột mà ông thừa hưởng từ những người tiền nhiệm.
Về mặt kinh tế, mọi thứ từng diễn ra tốt đẹp với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump đã giảm xuống mức thấp kỷ lục (ông Trump tuyên bố đó là do chính sách cắt giảm thuế của mình) cho đến khi virus corona chủng mới xuất hiện. Song, dịch Covid-19 cùng với các biện pháp phong tỏa dập dịch sau đó đã gây khó khăn cho giới lãnh đạo ở hầu hết các nước trên thế giới, dù đó là Mỹ, Anh, Nga hay Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc.
Ngoài ra, ông Trump cũng cố gắng thay đổi tình thế, đặc biệt trong quan hệ song phương với Trung Quốc, đối đầu và tìm cách bắt Bắc Kinh "trả giá" cho những gì ông coi là bất công bằng với người Mỹ, nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào từng làm trước đây. Thái độ cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc dường như được lòng cử tri, khi dư luận nước này ngày càng mất dần thiện cảm và cái nhìn tích cực với đại lục, theo các cuộc khảo sát hồi năm ngoái. Tỉ lệ tín nhiệm dành cho ông Trump trong 2 năm ông thổi bùng chiến tranh thương mại với Trung Quốc cũng tăng vọt. Các cố vấn chính của ông Trump như Steve Bannon có thể đã rời đi, nhưng Pete Navarro, người rất chú trọng đến ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc trong thương mại và các lĩnh vực khác, vẫn còn ở đó.
Do còn gần 5 tháng nữa mới đến ngày tổng tuyển cử quốc gia Mỹ nên có thể còn quá sớm để nhận định chắc chắn về khả năng thất cử của ông Trump, trên cơ sở các thông điệp Twitter thất thường và những bình luận đầy ngẫu hứng của ông. Ngay cả tờ báo Anh theo đường lối tự do The Guardian cũng thừa nhận, không thể loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ thắng cử vào tháng 11 tới đây nhờ những cú bứt phá ngoạn mục vào phút chót, trong khi đối thủ Biden vẫn loay hoay với cương lĩnh tranh cử cũ, không đưa ra được những giải pháp khả thi hơn cho các cuộc khủng hoảng và tương lai của nước Mỹ.
Tuấn Anh