Khi hoàn cảnh quen thuộc và thoải mái thay đổi đột ngột, bản năng của con người là tin rằng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường. Đối với một số người, việc phải đối mặt với khả năng cuộc sống có thể đã thay đổi vĩnh viễn thực sự rất đáng lo ngại. Giới quan sát đã chứng kiến điều này trong phản ứng của các doanh nghiệp trước vòng xoáy đi xuống của quan hệ Mỹ - Trung.

{keywords}
 

Chặng đường dài phía trước

Sau 40 năm, hai cường quốc hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thật khó có thể tưởng tượng về sự phân tách thực sự trong quan hệ song phương. Nhiều nhà lãnh đạo tin, các chính trị gia ở Washington và Bắc Kinh sẽ điều chỉnh những bất đồng, khi họ nhận ra các tác động thực sự của việc “tách rời” hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ hy vọng, một thỏa thuận thương mại sẽ ổn định mọi thứ, ngay cả khi phải đợi đến kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Tuy nhiên, viết trên tạp chí Financial Times, cây bút bình luận Gideon Rachman cho rằng mọi việc không dễ dàng. Thực tế, việc phân tách vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Quá trình đã vượt ra ngoài các lĩnh vực công nghệ và tài chính.

Theo thời gian, điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành công nghiệp trọng yếu, từ sản xuất đến hàng tiêu dùng. Và tất cả các công ty đa quốc gia, ngay cả những ông lớn có trụ sở ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng, khi họ phải xoay sở với các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và những thay đổi về luật pháp của Mỹ và Trung Quốc.

Quá trình này càng được thúc đẩy bằng sự thay đổi cơ bản trong cách nhìn nhận của hai nước về mối quan hệ song phương. Trong hơn 4 thập kỷ qua, các nguyên tắc kinh doanh đã chiếm ưu thế so với sự cạnh tranh chiến lược. Song, hai nước đang trong một thế giới mới, nơi sự cạnh tranh chính trị che mờ các động lực kinh tế, ngay cả đối với một tổng thống Mỹ tự hào là nhà đàm phán tài ba.

Khi Tổng thống Donald Trump được cảnh báo rằng, sắc lệnh mới của ông, vốn buộc các công ty Mỹ cắt đứt quan hệ với ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Trung Quốc WeChat, sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Mỹ ở đại lục, phản ứng của ông là "điều gì cũng được".

Đó không chỉ là ý muốn của riêng lãnh đạo Nhà Trắng. Hiện hai chính đảng thống trị ở Washington đều nhất trí phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến các lợi ích doanh nghiệp. Hồi tháng 5, Thượng viện Mỹ đã đồng thuận thông qua một dự luật buộc các công ty Trung Quốc phải rút khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của nước này, nếu họ không chịu mở sổ sách cho các cơ quan quản lý Mỹ kiểm tra.

Tương tự, tại Bắc Kinh, các mệnh lệnh chính trị nhằm khẳng định chủ quyền hiện chiếm ưu thế hơn bất kỳ động cơ nào để các công ty tránh đối đầu với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Mỹ-Trung đều bị lún sâu

Cả Washington và Bắc Kinh đều cáo buộc bên kia bắt đầu hành động thù địch trước. Người Trung Quốc nhấn mạnh việc ông Trump đã đơn phương áp đặt thuế quan. Phía Mỹ phản pháo rằng, Google và Facebook đã bị "cấm cửa" ở Trung Quốc hơn một thập kỷ trước khi Washington có hành động mạnh tay chống lại các hãng công nghệ Trung Quốc như Huawei và ByteDance.

Bất kỳ bên nào "nổ phát súng đầu tiên", hai nước đều đang bị lún sâu vào các chuỗi phản ứng kiểu "ăn miếng, trả miếng". Nếu Mỹ có thêm hành động chống lại WeChat và Huawei, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ trả đũa bằng cách hạn chế hơn nữa các công ty công nghệ Mỹ ở Trung Quốc.

Khi căng thẳng chính trị gia tăng, các thương hiệu tiêu dùng của Mỹ sẽ dễ bị những người theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia ở đại lục tẩy chay. Đây có thể là một tin xấu đối với những thương hiệu hàng đầu của Mỹ như Starbucks hay Hiệp hội Bóng rổ quốc gia (NBA).

Ngoài ra, sự tách rời quan hệ Mỹ - Trung cũng đang chịu ảnh hưởng của những đánh giá rủi ro mới. Việc các công ty Trung Quốc, bao gồm cả ZTE và Huawei, bị cấm bán vi xử lý máy tính của Mỹ đã thúc đẩy đại lục tự cung, tự cấp các công nghệ then chốt.

Các công ty Mỹ cũng đang tìm mọi cách phòng tránh rủi ro cho các khoản đầu tư của họ. Ví dụ, Apple, công ty đã xây dựng đế chế kinh doanh xoay quanh hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, đang chế tạo phiên bản điện thoại iPhone mới nhất của họ ở cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Một lĩnh vực xung đột nữa giữa hai nước là tài chính - ngân hàng. Trong thập kỷ qua, Mỹ đã triển khai các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các nước như Iran và Venezuela, gây tác động hủy hoại thường xuyên. Hiện, chính quyền ông Trump bắt đầu sử dụng công cụ này trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Washington đã áp lệnh trừng phạt đối với một số quan chức ở Hong Kong và đại lục, loại họ khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Do tính trung tâm của đồng đôla trong thương mại thế giới, các ngân hàng quốc tế chắc chắn không muốn vi phạm những lệnh cấm nói trên.

Rủi ro này có thể kiểm soát được trong trường hợp lệnh cấm chỉ ảnh hưởng giới hạn tới một vài cá nhân. Song, điều gì sẽ xảy ra nếu các biện pháp trừng phạt tài chính bị mở rộng áp dụng đối với các công ty lớn của Trung Quốc?

Các ngân hàng Phố Wall, vốn đã kiếm bộn tiền từ việc niêm yết các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán New York, cho rằng ngay cả khi hoạt động niêm yết này bị cấm, họ vẫn có thể đưa các doanh nghiệp vào thị trường ở Hong Kong. Nhưng, điều đó sẽ phụ thuộc vào sự khoan dung của Chính phủ Mỹ và Trung Quốc, điều không dễ dàng có được.

Các quốc gia và doanh nghiệp ở châu Âu lẫn Đông Nam Á khó có thể tránh xa khỏi những tác động của cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Quyết định của Anh về việc mở cửa thị trường viễn thông 5G cho Huawei, bất chấp sự phản đối của Mỹ đã được chứng minh là không bền vững.

HSBC, ngân hàng có trụ sở chính tại Anh nhưng có tới 80% lợi nhuận là ở châu Á, đã bị lôi kéo vào xung đột giữa hai cường quốc với vai trò nhân chứng trong vụ kiện của Mỹ chống lại bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của tập đoàn Trung Quốc Huawei.

Các doanh nghiệp lớn sẽ muốn giữ thái độ trung lập trong cuộc Chiến tranh Lạnh dường như đang trỗi dậy giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó có thể chứng minh là không thể. Lịch sử thế giới trong hơn 40 năm qua được tạo dựng dựa trên quá trình toàn cầu hóa và quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng điều này có vẻ đang nhanh chóng biến mất.

Tuấn Anh

Ông Trump giáng đòn hiểm, Trung Quốc bị dồn vào thế bí?

Ông Trump giáng đòn hiểm, Trung Quốc bị dồn vào thế bí?

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh "cấm cửa" hai ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc là WeChat và TikTok cùng các công ty mẹ của chúng được coi là đòn giáng mạnh với Bắc Kinh.

Trung Quốc trừng phạt nghị sĩ Mỹ vì Hong Kong

Trung Quốc trừng phạt nghị sĩ Mỹ vì Hong Kong

Trung Quốc vừa tuyên bố trừng phạt 11 công dân Mỹ, bao gồm cả các nghị sĩ để trả đũa lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các quan chức đại lục vì vấn đề Hong Kong.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.