Trên đây là nhận định mà cây viết Jannifer Rubin đưa ra trong một bài phân tích đăng trên trang Washington Post ngày 29/12.
Tổng thống Mỹ đắc cử Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
Nữ chuyên gia bình luận này đề cập tới ý kiến sau cuộc bầu cử Mỹ của chuyên gia Thomas Wright, trong đó ông nêu ra hai đường hướng tiềm tàng cho chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Joe Biden:
"Bên trong đội ngũ của ông Biden, một cuộc tranh luận đang nổ ra giữa những người Dân chủ về tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ. Một nhóm ủng hộ chính sách giống với thời Tổng thống Barack Obama. Họ (nhóm phục hồi) tin vào sự quản lý thận trọng đối với trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh. Họ phản đối Trung Quốc, nhưng không muốn định nghĩa chiến lược của mình như một sự cạnh tranh sức mạnh to lớn. Họ tiếp tục hy vọng cao độ về hợp tác song phương với cường quốc châu Á về biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu cùng nhiều vấn đề khác.
Nhóm thứ hai thì ngược lại, cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ cần phải thay đổi về cơ bản. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro có tính toán, chấp nhận xung đột với những đối thủ và đồng minh nào có vấn đề. Họ coi Trung Quốc là một thách thức rõ ràng và thiên về một cách tiếp cận mang tính cạnh tranh hơn. Nhóm "cải cách" này coi sự hợp tác với các nước khác là thành tố trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ, kể cả nếu các mối quan hệ đối tác dẫn đến xung đột".
Nữ nhà báo Jannifer Rubin nhận định, đến thời điểm này, với những gì mà ông Biden thể hiện, phe cải cách dường như đang thắng thế trong quan điểm về chính sách đối với Trung Quốc.
Bà chỉ ra rằng, xuất hiện tại Wilmington (bang Delaware) hôm 28/12, sau khi trò chuyện với đội ngũ chính sách đối ngoại của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ đã nói rõ: "Khi chúng ta cạnh tranh với Trung Quốc và buộc Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những lạm dụng của họ trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, nhân quyền cùng nhiều mặt trận khác, vị thế của chúng ta sẽ mạnh hơn nhiều khi chúng ta xây dựng các liên minh bao gồm đối tác và đồng minh cùng chí hướng, để cùng thực hiện mục tiêu chung trong bảo vệ giá trị và lợi ích của chúng ta".
Ông Biden cũng thẳng thắn thừa nhận, Trung Quốc và Nga là những đối thủ cạnh tranh quyết liệt. "Chúng tôi đã nói về những thách thức chiến lược khác nhau mà chúng ta sẽ đối mặt từ cả Nga và Trung Quốc, và những cải cách mà chúng ta phải thực hiện để tự đặt mình vào vị thế tốt nhất có thể nhằm giải quyết những thách thức đó", ông Biden nói.
Như tầm nhìn của "nhóm cải cách" mà ông Wright nêu ra, điểm mấu chốt sẽ là nhận được đủ sự ủng hộ từ các đồng minh dân chủ. Theo chuyên gia này, vị tổng thống sắp tới của Mỹ "nên tận dụng sự cạnh tranh với Trung Quốc làm cầu nối với các thành viên Cộng hòa ở Thượng viện".
Vì nhiều người Cộng hòa tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc, ông nên tìm kiếm sự ủng hộ của họ và xác định rõ các đường nét chính sách của mình. Cách tiếp cận của ông Biden nên bao gồm thuyết phục các thành viên Cộng hòa ủng hộ, khi đề cập đến "dự luật đang chờ phê duyệt về đầu tư vào ngành bán dẫn và hạ tầng 5G, lựa chọn các trợ lý bộ trưởng về châu Á tại Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc là những người có thể dễ dàng giành được sự ủng hộ lưỡng đảng, và chứng tỏ ông nghiêm túc trong việc sử dụng Bộ Tài chính, Bộ Thương mại để cạnh tranh với Trung Quốc".
Ông Biden có thể giải thích với người Cộng hòa về một đối sách mạnh mẽ với Trung Quốc, trong đó một số mục đã có sẵn trong nghị trình nội địa của ông: "Đầu tư vào cơ sở hạ tầng một cách có chọn lọc, dùng công nghệ sạch, chính sách công nghiệp để cạnh tranh với Trung Quốc về mạng 5G, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo, tách một cách có giới hạn và mang tính chiến lược khỏi Trung Quốc ở một số lĩnh vực nhất định; và củng cố khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ trước những cú sốc từ bên ngoài, trong đó có việc đảm bảo cho các chuỗi cung ứng trở nên an toàn hơn", theo ông Wright.
Cách tiếp cận Trung Quốc này có thể giúp ông Biden đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng, dù nhiều thành viên Cộng hòa cáo buộc ông Biden yếu kém về Trung Quốc.
Nếu ông Biden và nhóm của mình có thể tìm được các khoản đầu tư trong nước để cải thiện vị thế quốc tế của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, ngay cả những người Cộng hòa cũng khó có thể gây áp lực với ông.
Thanh Hảo
Nguyên nhân khiến Trung Quốc hạ ưu tiên thương chiến với Mỹ
Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ tập trung vào tiêu dùng nội địa trong năm tới, khi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ không còn nằm cao trong danh sách ưu tiên nữa.
Dự báo bất ngờ về kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó.
-