Như Tướng Stanley McChrystal từng giải thích trước đợt tăng viện quân Mỹ năm 2009, mục tiêu là "Chính phủ Afghanistan kiểm soát hiệu quả lãnh thổ nước này để góp phần ổn định khu vực và không để cho khủng bố quốc tế lợi dụng".
Đến nay, với hơn 100.000 người đã thiệt mạng và khoảng 2.000 tỷ USD đã chi tiêu cho cuộc chiến này, tất cả những nỗ lực của Mỹ thể hiện là cảnh tháo chạy tuyệt vọng khỏi đất nước.
Một lính Mỹ ngồi trên trực thăng CH-47 Chinook bay trên bầu trời Kabul, thủ đô Afghanistan, hồi tháng 5/2021. Ảnh: NY Times |
Điều gì đã xảy ra?
Rất nhiều điều, nhưng không theo cách mà hầu hết mọi người vẫn tưởng, theo ông Daron Acemoglu, giáo sư kinh tế học tại Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) trong một bài phân tích mới đây trên tạp chí Project Syndicate.
Giáo sư Acemoglu chỉ ra rằng, gây ra thảm họa một phần là do lập kế hoạch kém và không có đủ thông tin chính xác. Nhưng, các vấn đề này trên thực tế đã kéo dài suốt 20 năm qua.
Mỹ đã sớm hiểu rằng cách duy nhất để tạo ra một quốc gia ổn định có luật lệ và trật tự rõ ràng là phải thiết lập các thể chế nhà nước mạnh mẽ. Được sự khuyến khích của nhiều chuyên gia, và dựa trên những lý thuyết hiện đã không còn tồn tại, quân đội Mỹ coi thách thức này như một vấn đề kỹ thuật: Afghanistan thiếu các thể chế nhà nước, không có đủ lực lượng an ninh hoạt động, thiếu tòa án và các quan chức hiểu biết. Vì thế, giải pháp là đổ nguồn lực vào và chuyển giao chuyên môn từ bên ngoài.
Các tổ chức phi chính phủ và tổ hợp viện trợ-nước ngoài rộng lớn hơn của phương Tây đã kéo đến để giúp đỡ theo cách của riêng mình (không cần biết người địa phương có muốn hay không). Và bởi vì công việc của họ đòi hỏi sự ổn định ở một mức độ nào đó, các binh sĩ nước ngoài - chủ yếu là lực lượng NATO, và một số nhà thầu tư nhân - đã được triển khai để đảm bảo an ninh.
Khi coi xây dựng quốc gia là một quá trình từ trên xuống và "nhà nước là trên hết", các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã đi theo một truyền thống trong khoa học chính trị. Giả định là, nếu có thể thiết lập sự thống trị quân sự áp đảo trên một lãnh địa và thu phục tất cả các nguồn sức mạnh khác, bạn sẽ có thể áp đặt được ý chí của mình.
Tuy nhiên, ở hầu hết các nơi, lý thuyết này may ra chỉ đúng một nửa, còn ở Afghanistan là hoàn toàn sai lầm.
Tất nhiên, Afghanistan cần một nhà nước hoạt động. Nhưng quan điểm một người có thể bị áp đặt từ bên trên bởi các lực lượng nước ngoài đã được đặt không đúng chỗ. Theo giáo sư Acemoglu, cách tiếp cận này là vô nghĩa khi xuất phát điểm là một xã hội không có sự đồng nhất xung quanh các phong tục và chuẩn mực địa phương, nơi các thể chế nhà nước đã suy yếu, thậm chí vắng bóng từ lâu.
Phương pháp xây dựng nhà nước từ trên xuống chỉ hiệu quả trong một số trường hợp. Hầu hết các nước được xây dựng không phải bằng vũ lực mà bằng sự thỏa hiệp và hợp tác. Việc tập trung quyền lực thành công dưới các thể chế nhà nước thường là nhờ sự đồng thuận và hợp tác của dân chúng.
Điều này không có nghĩa là Mỹ cần phải hợp tác với Taliban. Nhưng thực sự họ nên hợp tác với các nhóm khác nhau ở địa phương, thay vì chỉ đổ nguồn lực vào một chế độ tham nhũng của Tổng thống đầu tiên thời hậu Taliban, ông Hamid Karzai (cùng những người anh em).
Ashraf Ghani, vị tổng thống cũng được Mỹ hậu thuẫn và vội chạy sang Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) khi Taliban ập đến thủ đô Kabul, từng tham gia viết một cuốn sách năm 2009 phân tích chiến lược này tiếp tay cho tham nhũng và không đạt được mục tiêu đã đặt ra. Nhưng, khi lên nắm quyền, chính ông lại tiếp tục con đường tương tự.
Tình hình mà Washington phải đối mặt ở Afghanistan thậm chí còn tồi tệ hơn, vì người dân nước này coi sự hiện diện của Mỹ như một chiến dịch nhằm làm suy yếu xã hội của họ. Đó không phải là "món hời" mà họ muốn.
Có thể mọi chuyện đã khác đi nếu Cơ quan Tình báo liên ngành của Pakistan không hỗ trợ Taliban khi lực lượng này bị đánh bại về mặt quân sự, nếu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của NATO không khiến người dân Afghanistan xa lánh, và nếu giới tinh hoa Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn không tham nhũng quá đáng.
Một thực tế nữa là, các nhà lãnh đạo Mỹ lẽ ra nên hiểu rõ hơn. Mọi thứ sẽ trơn tru nếu họ giành được trái tim và khối ốc của người dân, bằng cách tăng cường hỗ trợ cho các hội nhóm ở địa phương. Lịch sử cho thấy, dân chúng sẽ quay sang các tổ chức phi nhà nước khi chứng kiến các thể chế nhà nước hoạt động không hiệu quả và không gần gũi với họ.
Sau 20 năm sai lầm, Mỹ đã thất bại trong mục tiêu kép là rút quân khỏi Afghanistan và để lại một xã hội ổn định dựa trên pháp luật.
>>> Cập nhật Chiến sự ở Afghanistan
Thanh Hảo
Afghanistan sụp đổ, tình báo Mỹ đã tính toán sai?
Các nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định họ đã dự đoán đúng về sự sụp đổ của chính quyền Kabul.