Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng vọt vào hôm nay, sau khi Mỹ giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của nước Cộng hòa Hồi giáo, trong một cuộc không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad. Chịu chung số phận với ông Soleimani còn có Abu Mahdi al-Muhandis - phó chỉ huy Lực lượng Động viên nhân dân (PMF), một nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn. 

{keywords}
Lầu Năm Góc xác nhận vụ tấn công giết tướng Iran Qassem Soleimani (phải) được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Trump.

Lầu Năm Góc xác nhận vụ tấn công được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Trump. Mô tả đây là "hành động phòng thủ" nhằm "ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai". Lầu Năm Góc khẳng định, tướng Soleimani chính là người đang tích cực phát triển các kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và nhân viên phục vụ Mỹ ở Iraq cũng như trên toàn khu vực".

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã yêu cầu tổ chức lễ tang 3 ngày. Ông tuyên bố cái chết của Thiếu tướng Soleimani làm tăng gấp đôi động lực chống Mỹ và Israel. Theo bản tin trên Đài Truyền hình Iran, ông Khamenei tuyên bố sự trả thù tàn khốc đang chờ đời "những tên tội phạm" lấy mạng tướng Soleimani.

Nguy cơ trả thù từ Iran

Giới phân tích nhận định, cái chết của hai nhân vật kể trên nhiều khả năng sẽ tạo ra một bước ngoặt ở Trung Đông, sẽ gây ra làn sóng trả thù của Iran cùng các lực lượng ủng hộ nước này trong khu vực nhằm vào các lợi ích của Mỹ.

Mỹ và Iran đã bị đẩy vào căng thẳng đặc biệt từ hôm 31/1 vừa qua, khi hàng nghìn người kéo đến bên ngoài cửa chính của tòa sứ quán Mỹ để phản đối chiến dịch không kích của Washington nhằm vào các căn cứ của nhóm phiến quân Hashed al-Shaabi được Iran hậu thuẫn ở Iraq. Người biểu tình giận dữ phá cổng và tràn vào bên trong, buộc lực lượng an ninh phải dùng hơi cay và đèn chớp để kiểm soát tình hình. Họ chỉ rút đi sau khi lính đặc nhiệm Mỹ được điều đến ứng cứu.

{keywords}
Sứ quán Mỹ ở Baghdad bị người biểu tình tấn công. (Ảnh: Reuters)

Mỹ quy trách nhiệm cho Iran và điều động thêm binh sĩ tới Iraq để đảm bảo an ninh tại tổ hợp ngoại giao này. Tổng thống Donald Trump cảnh báo Tehran sẽ phải chịu "toàn bộ trách nhiệm cho những người mất mạng hoặc những thiệt hại đã gây ra tại bất kỳ cơ sở nào của chúng tôi".

Phía Tehran tuyên bố sẽ công khai đối đầu với bất kỳ nước nào đe dọa các lợi ích quốc gia của mình.

Sau cái chết của tướng Soleimani, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo trên Twitter rằng, "hành động khủng bố quốc tế của Mỹ, nhắm đến và ám sát tướng Soleimani... là một sự leo thang ngớ ngẩn và cực kỳ nguy hiểm". Ông tuyên bố Washington sẽ phải "chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả".

Một số quan chức Mỹ đã về hưu và đang tại nhiệm cho rằng, vụ không kích lấy mạng tướng Soleimani có nguy cơ đẩy căng thẳng vượt xa dự đoán.

"Chẳng đời nào Iran không đáp trả", Afshon Ostovar, tác giả một cuốn sách viết về Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. "Tôi thật không thể tin nổi. Lo lắng ngay bây giờ của tôi là: Bước tiếp theo của Iran là gì? Liệu đây có phải là khởi đầu một cuộc xung đột toàn khu vực?".

Tạp chí Politico dẫn lời một quan chức Mỹ chuyên về Trung Đông nhận định, sau cái chết của Soleimani, "chúng ta cần sẵn sàng vì giờ đây chúng ta đã ở trong một cuộc chiến rồi". Một người khác chỉ ra rằng, "Iran có thể trả đũa ở bất kỳ đâu, ở châu Phi, ở Mỹ Latinh hay, ở Vùng Vịnh".

Chiến dịch "áp lực tối đa" đã được Tổng thống Trump tăng cường trong những tháng gần đây, khi Mỹ thường xuyên đụng độ với Iran cùng các lực lượng mà Tehran hậu thuẫn. Mới ít ngày trước, một nhà thầu Mỹ chết ở Iraq trong một cuộc tấn công của phiến quân liên kết với Iran. Washington phản ứng bằng cách bắn phá các địa điểm mà nhóm này nắm giữ, giết chết vài chục tay súng.

Lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Iran được nhiều nước ở Trung Đông ủng hộ, nổi bật là Israel, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) vốn coi Tehran là kẻ thù đang khát khao thao túng toàn khu vực.

Qassem Soleimani là ai?

{keywords}
Tướng Qassem Soleimani (Ảnh: AP)

Soleimani là chỉ huy Lực lượng Quds, một đơn vị Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đứng sau nhiều hành động quân sự của nước này ở bên ngoài biên giới đất nước.

Vốn ít được biết đến, Soleimani trở thành một người nổi tiếng bất đắc dĩ ở Iran trong những năm gần đây. Ông bất ngờ nổi lên khi bị buộc phải ra mặt vì sự can thiệp của Iran vào xung đột ở Syria năm 2013, xuất hiện trong các bức ảnh trên chiến trường, trong những bộ phim tài liệu, thậm chí cả trong phim hoạt hình.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi được phát trên truyền hình Iran hồi tháng 10, ông cho biết mình đã ở Lebanon trong cuộc chiến Israel - Hezbollah năm 2006 để giám sát tình hình. 

Đối với cả những người hâm mộ lẫn kẻ thù của Soleimani, ông là kiến trúc sư trưởng về tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, dẫn đầu một cuộc chiến chống lại các lực lượng thánh chiến và mở rộng ngoại giao của Tehran ở Iraq, Syria và nhiều nơi khác. Cái chết của ông chắc chắn là một tổn thất to lớn cho chính quyền Tehran trong khi giới chức nước Cộng hòa Hồi giáo cũng hoàn toàn không ngờ tới.

Thanh Hảo