Được mô tả là đóng vai trò địa chính trị quan trọng, các cuộc họp ba bên đã được tổ chức ở các thành phố châu Âu, tiếp sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin hồi tháng trước.

Tại cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga ngày 12/1, các nhà chức trách đã nói về tầm quan trọng của đối thoại để giải trừ vũ khí và triển khai tên lửa. Tuy nhiên, phát biểu với truyền thông tại một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận: "Có nhiều khác biệt lớn giữa các đồng minh NATO và Nga về những vấn đề này. Bất đồng của chúng tôi không dễ dàng gì thu hẹp được".

Về phía Nga, trong khi chuyển quân tới biên giới giáp Ukraina, Moscow bác bỏ cáo buộc từ Kiev và phương Tây rằng nước này đang lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Kremlin tố NATO phá hoại an ninh khu vực và đưa ra một loạt đề nghị cho Washington – mà hầu hết bị phương Tây lên án là "không thể bắt đầu".

Về cơ bản, Nga muốn NATO cùng các đồng minh không cho Ukraina và các nước Liên Xô cũ gia nhập, đồng thời kêu gọi liên minh quân sự này giảm bớt quy mô hoạt động ở Đông Âu.

Theo Fabrice Pothier, một quan chức chiến lược của nhóm chính sách Rasmussen Global (được đặt tên theo người sáng lập, cựu lãnh đạo NATO Anders Fogh Rasmussen), đàm phán với Kremlin luôn là một thử thách đối với liên minh. "Rất khó để NATO làm điều gì mà không bảo vệ các lợi ích và giá trị của tổ chức này…", ông trao đổi với hãng thông tấn Al Jazeera.

"NATO có thể thỏa hiệp về tính minh bạch, cách thức các đồng minh thông báo cho nhau về các cuộc tập trận quân sự, và về vị trí một số hệ thống vũ khí nhạy cảm đặt dọc biên giới. Nhưng xa hơn thế, NATO sẽ không bao giờ lay chuyển".

Các hoạt động ngoại giao do phương Tây dẫn đầu đã diễn ra nhanh chóng sau khi Nga triển khai quân, được cho là khoảng 100.000 binh sĩ, tới dọc biên giới với Ukraina vào cuối năm 2021. Ngoài sự kiện của NATO ở Brussels (Bỉ), các đại diện của Mỹ và Nga đã bàn về cuộc khủng hoảng vào ngày 10/1 ở Geneva (Thụy Sĩ) và tuần lễ kết thúc ở Vienna (Áo) bằng cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Sau cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman than phiền "không có cam kết xuống thang" nào được đưa ra và phía Moscow có thể vẫn chưa sẵn sàng tiếp tục.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Nga đã tỏ rõ với NATO rằng tình hình đã trở nên "không thể chịu đựng được đối với Nga". Tại cuộc họp báo ở Brussels, ông Grushko lên án sự mở rộng của NATO tới các nước Đông Âu, khẳng định điều đó "không giải quyết được vấn đề an ninh" và "chỉ làm dịch chuyển các đường phân chia chứ không loại bỏ được chúng".

Ngày 14/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đưa ra lập trường cứng rắn, tuyên bố ông đã hết kiên nhẫn và yêu cầu NATO cùng với Mỹ sớm phản hồi các đề xuất của Nga.

Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao của Nhóm Khủng hoảng quốc tế, cho rằng Washington và phương Tây không thể đạt được điểm chung với Nga vì họ không hiểu logic đằng sau các đề xuất của Nga.

"Nga muốn coi Ukraina không phải là một đất nước trung lập, mà là một quốc gia bạn bè", ông nói và chỉ ra Ukraina không phải là vấn đề quan trọng duy nhất đối với Kremlin. "Đây còn là cách mà Nga muốn khẳng định vị thế của mình trên thế giới. Vì vậy, đây là một cuộc xung đột địa chính trị tập trung vào vị thế và tầm nhìn của Nga".

Chủ tịch luân phiên OSCE Zbigniew Rau đã mở đầu cuộc họp hôm 13/1 tại Áo bằng lời cảnh báo rằng, nguy cơ chiến tranh trong khu vực hiện nay lớn hơn bao giờ hết trong 30 năm qua.

Tuần lễ ngoại giao giữa NATO-Nga đã trôi qua mà không đạt được một giải pháp đột phá nào. Loạt phát biểu từ các bên chứng tỏ họ sẽ không thỏa hiệp mà kiên quyết duy trì lập trường cứng rắn nhằm bảo vệ lợi ích riêng. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Nga và phương Tây cùng ngồi vào bàn thương lượng đã phần nào giúp họ hiểu rõ hơn về lập trường của nhau, nhờ đó tránh được những tính toán sai lầm.

Đọc bình luận quốc tế trên VietNamNet 

Thanh Hảo

 

Nga nhận diện 'lằn ranh đỏ' trong quan hệ với NATO

Nga nhận diện 'lằn ranh đỏ' trong quan hệ với NATO

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích cách tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tạo ra tình huống khiến nước này "không thể chịu đựng thêm nữa" như thế nào.