Ba ngày sau thời điểm bầu cử, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã gửi một dự luật tới Nhà Trắng, cho phép các nhà máy chăn nuôi gia cầm tăng tốc độ dây chuyền sản xuất. Trước đó, chính quyền Barack Obama đã bác bỏ động thái này, vì lo gây nguy hiểm cho công nhân đóng gói thịt.

Chạy đua với thời gian để ra luật

Dự luật của USDA nằm trong số 145 dự luật đang được Phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng đánh giá là một bước quan trọng trong quá trình thiết lập quy định chính thức cho các luật hiện tại.

{keywords}
Ông Trump có thể tranh thủ thông qua một số luật mà ông Biden khó đảo ngược. Ảnh: NBC

Các dự luật khác, được xác định sẽ gây tác động lớn đến các vấn đề kinh tế, môi trường, an toàn và sức khỏe cộng đồng, bộ máy chính quyền cấp tiểu bang và địa phương… cũng sẽ được Nhà Trắng xem xét trong những ngày tới, và có thể sẽ được Tổng thống Trump ký phê duyệt trước khi rời nhiệm sở.

Theo NBC News, vẫn chưa rõ toàn bộ các dự luật này có thể được thông qua trước thời điểm mãn nhiệm của Tổng thống Trump hay không. Tuy nhiên, những người chỉ trích và ủng hộ Chính phủ Mỹ hiện tại đều mong đợi chúng sẽ sớm có hiệu lực vào thời điểm vài tuần trước ngày 20/1, như vẫn thường diễn ra ở các đời tổng thống Mỹ từ thời Jimmy Carter.

“Họ (Chính phủ Mỹ) đang chạy đua với thời gian. Các dự luật phải được hoàn thành đúng thời hạn, song cũng phải đảm bảo được xem xét kỹ lưỡng để có thể vượt qua được mọi thách thức pháp lý”, Nicolas Loris, chuyên gia kinh tế thuộc nhóm chuyên gia Quỹ Di sản, cho biết.

Các dự luật đang được xem xét bao gồm những quy định mà chính quyền Biden sắp tới có thể sẽ phản đối, như các hạn chế mới về thời hạn thị thực dành cho sinh viên nước ngoài, hoạt động nghiên cứu khoa học của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và khả năng cơ quan này xem xét lợi ích từ việc điều chỉnh lượng khí thải.

Bên cạnh đó, một dự luật mới còn cho phép các công ty dễ dàng hơn trong việc đối xử với nhân công của mình như những người làm theo hợp đồng độc lập, thay vì những người lao động được hưởng chế độ bảo trợ lương bổng một cách chặt chẽ.

{keywords}
Dự luật tăng tốc độ sản xuất thịt gia cầm của USDA là 1 trong 145 điều có thể được thông qua trước khi ông Trump mãn nhiệm. Ảnh: USDA

Quy trình đảo ngược không dễ

Dù hầu hết các lệnh hành pháp có thể nhanh chóng bị đảo ngược chỉ bằng một chữ ký, điều mà Tổng thống đắc cử Biden tuyên bố sẽ thực hiện, song các điều luật một khi có hiệu lực thì sẽ khó có thể thay đổi. Khi một quy định nào đó chính thức xuất hiện trong Công báo Liên bang, chỉ có phán quyết từ tòa án hoặc một quy trình xây dựng luật tương tự mới có thể đảo ngược.

Quốc hội Mỹ có khả năng thông qua các dự luật nhanh hơn bằng việc áp dụng Đạo luật Rà soát lại các luật đã ban hành, điều vốn được các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tận dụng để đảo ngược một loạt các điều luật dưới thời Tổng thống Obama vào đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó xảy ra nếu đảng Cộng hòa vẫn giữ quyền kiểm soát Thượng viện sau ngày 5/1/2021, thời điểm kết thúc 2 cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ bổ sung ở bang Georgia.

Theo Shev Dalal-Dheini, giám đốc bộ phận quan hệ chính phủ của Hiệp hội Luật sư Di trú Mỹ, điều này tạo ra một rào cản lớn đối với chính quyền kế nhiệm. “Kể cả khi chúng chưa có hiệu lực, việc thay đổi một điều luật nào đó sau khi nó được thông qua sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều”, bà Dalal-Dheini nói.

James Goodwin, nhà phân tích chính sách của Trung tâm Cải cách tiến bộ Mỹ, cho rằng những luật sắp được ban hành “giống như những cái bẫy nhử, bạn phải tìm kiếm và giải trừ tất cả các điểm bẫy trong đó. Đổi lại, bạn sẽ không thể phát triển chương trình nghị sự của riêng mình.”

Còn theo Jack Beermann, giáo sư và chuyên gia luật hành chính tại Đại học Boston (Mỹ), việc gấp rút thông qua các dự luật là tự nhiên, và là dấu hiệu thúc đẩy quá trình kết thúc một chính quyền tổng thống nào đó tại Mỹ, đặc biệt là với các đời tổng thống chỉ kéo dài một nhiệm kỳ.

“Nhiều người nghĩ rằng điều này có phần “bất chính”, nhưng trong hầu hết các đời tổng thống Mỹ, nó phần lớn đã trở thành thông lệ. Mọi người đều có xu hướng làm việc đến hết kỳ hạn của mình”, Beermann nói.

Tuy nhiên, giáo sư Đại học Boston cũng thừa nhận, một số dự luật liên quan đến các vấn đề như môi trường hoặc an toàn lao động… là những thứ gây tranh cãi vào cuối nhiệm kỳ của các Tổng thống Mỹ.

{keywords}
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa từng thông qua Đạo luật rà soát lại các luật đã ban hành để ngăn việc thông qua nhiều dự luật dưới thời Obama. Ảnh: Flickr

Vào năm 2016, Tổng thống Barack Obama từng ban hành một loạt các luật về môi trường và lao động sau cuộc bầu cử tổng thống trong năm. Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa ngay lập tức tuyên bố sẽ bãi bỏ nhiều quy tắc, trong số đó thông qua Đạo luật rà soát lại các luật đã ban hành của Quốc hội Mỹ, và đã thành công khi ông Trump nhậm chức tổng thống.

Sự ủng hộ của lưỡng đảng

Dù vậy, trong số các dự luật hiện đang được Nhà Trắng xem xét, một số vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên lưỡng đảng. Chẳng hạn, một dự luật mới quy định tất cả các nhà ở được liên bang trợ cấp bắt buộc phải có máy dò carbon monoxide.

Vào tháng 4 năm 2019, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ thông báo rằng, họ sẽ soạn thảo các dự luật liên quan đến vấn đề này, sau loạt bài điều tra của NBC News về các ca tử vong bởi khí carbon monoxide trong các khu nhà ở công cộng.

Giới chức quản lý Mỹ nhấn mạnh rằng, họ đang tuân theo quy trình xây dựng luật thông thường, trong đó có quy định yêu cầu các dự luật phải được công khai để lấy ý kiến công chúng, và cơ quan soạn thảo dự luật phải có trách nhiệm phản hồi những ý kiến này trước khi đệ trình lên chính phủ.

Dù có một bước mà nhánh hành pháp tại Mỹ có thể thực hiện để đẩy nhanh quá trình trên, như rút ngắn khoảng thời gian lấy ý kiến công chúng xuống còn 30 ngày thay vì 60 ngày, việc không tuân theo đúng trình tự trong quá trình xây dựng luật có thể dẫn tới những thách thức pháp lý nghiêm trọng, như những gì chính quyền Tổng thống Trump từng gặp phải trước đây.

Susan Dudley, người lãnh đạo Văn phòng quản lý của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, từng cố gắng chống lại việc đưa ra những “điều luật qua đêm” sau cuộc bầu cử năm 2008, do lo ngại các cơ quan quản lý luật có thể lợi dụng điều này để “đốt cháy giai đoạn”. Nhưng cuối cùng, bà đã phải chịu áp lực từ những giới chức chính trị có mong muốn kết thúc sớm mọi thứ.

“Đây thực sự là vấn đề “chung lưng đấu cật”. Họ có thể có những dự luật được chuẩn bị trong một thời gian dài. Nhưng cũng có những dự luật được đưa ra rất vội vàng, thậm chí không đủ thời gian để lấy ý kiến của công chúng, hoặc chưa có một sự phân tích thấu đáo về những tác động của các điều luật này,” bà Dudley cho biết.

Ngoài các điều luật mới, tổng thống Mỹ còn có thể thực hiện các động thái khác để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình theo những cách khó có thể đảo ngược. Ví dụ, trong một mục của dự luật cắt giảm thuế sâu rộng của đảng Cộng hòa được thông qua vào năm 2017, Quốc hội Mỹ đã cho phép đặt dàn khoan dầu tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia ở Bắc Cực, một mục tiêu dài hạn của đảng Cộng hòa mà ông Joe Biden phản đối.

Vào tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt nói rằng một hợp đồng cho thuê đất để đặt dàn khoan dầu ở Bắc Cực có thể được thông qua vào cuối năm nay. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng có khả năng phê duyệt giấy phép mới cho việc khoan dầu khí trên đất ở các tiểu bang khác.

{keywords}
Dự luật về việc cấp phép khai thác dầu khí ở Bắc Cực là một trong những điều ông Biden phản đối. Ảnh: Reuters

Ông Joe Biden đã phản đối điều này, và đó là lý do khiến giới chức ngành dầu khí gấp rút xin Chính phủ Mỹ cấp phép trong những tháng cuối trước ngày bầu cử.

Frank Macchiarola, Phó chủ tịch cấp cao của tập đoàn American Petroleum Institute, cho biết: “Một sự cấp phép kịp thời và hiệu quả luôn là ưu tiên hàng đầu đối với ngành công nghiệp của chúng tôi. Sản xuất khí tự nhiên và dầu mỏ trên các vùng đất và vùng biển thuộc liên bang sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của quốc gia”.

Theo James Goodwin, một khi giấy phép hoặc hợp đồng cho thuê như vậy được thông qua, thông thường sẽ rất khó để rút nó lại hoặc khiếu nại nó trước tòa án. “Một khi chúng có hiệu lực, sẽ cần rất nhiều nguồn lực để có thể đảo ngược chúng”, ông Goodwin cho biết.

Việt Anh

Thống đốc New York dọa kiện ông Trump vì vắc-xin ngừa Covid-19

Thống đốc New York dọa kiện ông Trump vì vắc-xin ngừa Covid-19

Thống đốc New York cam kết sẽ "điều động quân đội" để đảm bảo sự tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng cho mọi cư dân của bang, đồng thời đe dọa kiện chính quyền ông Trump nếu Washington ngăn cản việc đó.

Nga nói Mỹ 'không gia hạn' Hiệp ước START Mới

Nga nói Mỹ 'không gia hạn' Hiệp ước START Mới

Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố Mỹ "rõ ràng đã quyết định không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START Mới).