Theo tạp chí Wall Street Journal, cách các thành viên trong nhóm chính sách Trung Quốc của ông Biden làm việc cùng nhau có thể xác định liệu chính quyền mới có chính sách thống nhất hay chia rẽ đối với Bắc Kinh.

{keywords}
Các cố vấn chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: WSJ

Cựu Ngoại trưởng John Kerry, hiện là đặc phái viên về khí hậu của Nhà Trắng, đang theo đuổi một thỏa thuận khí hậu quốc tế đòi hỏi sự hợp tác của Trung Quốc, quốc gia phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, để phát huy hiệu quả. Trong khi đó, Kurt Campbell, điều phối viên về Trung Quốc của Nhà Trắng, lại muốn các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh.

Cả hai quan chức trên đều có chân trong Hội đồng An ninh Quốc gia do Jake Sullivan, người từng làm việc với họ trong chính quyền Obama, đứng đầu. Susan Rice, cựu Cố vấn an ninh quốc gia thời Obama, hiện là cố vấn chính sách đối nội của ông Biden cũng có thể can thiệp vào một số vấn đề về Trung Quốc, theo một số đồng nghiệp cũ của bà.

Ông Sullivan hiện cần phải kết hợp các quan điểm của họ với quan điểm của những người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, những cơ quan thường có góc nhìn khác nhau.

Trong phiên điều trần tuần trước, Gina Raimondo, người được ông Biden đề cử vào ghế Bộ trưởng Thương mại không cam kết tiếp tục đưa công ty viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen như chính quyền Donald Trump, mặc dù cả ông Campbell và ông Sullivan trước đây đều xác định doanh nghiệp này là một nguy cơ an ninh. Ngày hôm sau, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki gọi Huawei là “mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh".

Một số cố vấn bên ngoài nhóm của ông Biden nhận định, các khác biệt về ưu tiên và quan điểm cá nhân như trên tương tự nội các nổi tiếng có ý chí mạnh mẽ, được mệnh danh là đội ngũ quy tụ các đối thủ của cựu Tổng thống Abraham Lincoln. Song, theo họ, nhóm quy tụ các đối thủ lần này có thể hòa hợp hơn nhờ tình bạn lâu năm của nhiều quan chức cấp cao.

Chính quyền mới của Mỹ vẫn đang cân nhắc chiến lược với Trung Quốc, mặc dù họ tập trung vào việc đầu tư mạnh tay cho công nghệ tiên tiến trong nước và tập hợp các đồng minh dân chủ để tạo ra “mặt trận thống nhất” chống Bắc Kinh như mong muốn của ông Biden. Điều đó bao gồm cả việc tham vấn các đồng minh trước khi quyết định có dỡ bỏ hàng rào thuế quan với Trung Quốc hay không.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden tiết lộ, tân lãnh đạo Nhà Trắng không muốn trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho đến khi ông có các cuộc điện đàm đầu tiên với hai nguyên thủ của Ấn Độ và Hàn Quốc, cũng như các đối tác tiềm năng khác trong khu vực.

Tuy nhiên, một số đồng minh của Tổng thống Biden cảnh báo, nhóm phụ trách Trung Quốc của ông có thể nảy sinh các rạn nứt về các vấn đề như nhân quyền hoặc chính sách công nghiệp, những thứ thường khiến các quan chức chuyên trách kinh tế mâu thuẫn với các quan chức phụ trách an ninh quốc gia trong các chính quyền trước đây.

Bắc Kinh được tin từ lâu đã cố gắng khai thác các mâu thuẫn để khiến các quan chức ở Washington chống lại nhau, nhằm làm giảm áp lực với đại lục về hàng loạt vấn đề, từ thương mại tới Đài Loan.

Với chính quyền Trump, Bắc Kinh tìm cách lấy lòng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người xem Trung Quốc như một nước đóng góp quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Ông Mnuchin đã có thể ngăn chặn những người muốn xem xét việc cắt đứt các ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống sử dụng đồng USD của Mỹ.

Theo Wall Street Journal, giới lãnh đạo Trung Quốc đang thử một cách tiếp cận chủ động hơn với nhóm mới của ông Biden, sau khi nhận thấy họ thường xuyên rơi vào thế phòng thủ trong ứng phó với chính quyền Mỹ tiền nhiệm.

Kể từ cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã cố gắng cử nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì đến Washington để thảo luận về một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung sớm. Đại diện Trung Quốc mới đây cũng lên án Mỹ tập trận ở Biển Đông, đúng vào ngày Bắc Kinh có màn thị uy sức mạnh khi điều các chiến đấu cơ áp sát Đài Loan (Trung Quốc).

Cho đến nay, nhóm của ông Biden vẫn chưa hồi đáp các động thái của Bắc Kinh vì họ muốn có thời gian để vạch ra chiến lược Trung Quốc.

Các quan chức trong chính quyền Biden quả quyết họ thống nhất trong chiến lược Trung Quốc. Bên trong chính quyền, các quan ngại chủ yếu tập trung vào việc liệu ông Kerry và ông Campbell sẽ ứng xử như một phần của nhóm hay cố gắng chi phối mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Kerry, 77 tuổi, đang được quyền báo cáo trực tiếp với tổng thống, người ông từng làm việc cùng ở Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện suốt 24 năm. Các đồng nghiệp nhận xét, ông Kerry là kiểu người sẵn sàng phớt lờ các ràng buộc về thủ tục hành chính, lên máy bay và đàm phán một thỏa thuận với Bắc Kinh. Tuy nhiên, quan chức này đã cam kết sẽ không hy sinh các ưu tiên về quân sự hoặc kinh tế vì một thỏa thuận khí hậu.

Trong khi đó, ông Campbell, 64 tuổi là một quan chức giàu kinh nghiệm, đã có nhiều thập kỷ làm việc về chính sách Trung Quốc và có mối quan hệ lâu dài với các quan chức Trung Quốc. Cùng với ông Sullivan, ông Campbell đã giúp kiến thiết chính sách hướng về Trung Quốc của chính quyền Obama.

Nếu cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đắc cử chức tổng thống Mỹ, ông Campbell có lẽ là ứng viên hàng đầu cho ghế Ngoại trưởng. Ông hiện giữ chức vụ thấp hơn, dưới quyền của ông Sullivan, 44 tuổi. Cả hai thống nhất quan điểm rằng, Mỹ cần tái thiết "một mạng lưới quan hệ và thể chế dày đặc ở châu Á và phần còn lại của thế giới” để cạnh tranh với Trung Quốc.

Tuấn Anh

Quan chức được ông Trump bổ nhiệm khởi kiện Tổng thống Biden

Quan chức được ông Trump bổ nhiệm khởi kiện Tổng thống Biden

Một thành viên hội đồng cố vấn hành chính Mỹ, được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm trước khi rời Nhà Trắng, cáo buộc chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đang cố gắng bãi nhiệm ông trái pháp luật.

Bài toán Trung Quốc khó giải của ông Biden

Bài toán Trung Quốc khó giải của ông Biden

Trong 4 năm tại nhiệm, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rõ với Mỹ Latinh rằng không làm ăn với Trung Quốc. Nhưng thông điệp này không hiệu quả.