Cuộc chiến ở Afghanistan kết thúc lặng lẽ lúc 15h29 ngày 30/8 với chuyến bay C-17 rời Kabul mang theo một vài hành khách.
Tổng thống Mỹ Joe Biden có mặt tại Căn cứ không quân Dover trong buổi đón thi thể lính Mỹ tử nạn ở Kabul hôm 29/8. Ảnh: AP |
Các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã thông báo phía Taliban về thời gian và cách thức họ dự định rời đi, và thông báo cho báo chí Mỹ ngay sau 16h30 chiều, khi chiếc máy bay cuối cùng bay qua không phận Afghanistan.
"Giờ đây, 20 năm hiện diện quân sự của chúng tôi ở Afghanistan đã kết thúc" - Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong một thông cáo đưa ra sau khi máy bay cất cánh.
Tuyên bố này khép lại những gì đã khởi đầu vào những ngày sau mốc thời gian 11/9/20021, khi Mỹ thực hiện một trong những màn thể hiện sức mạnh lớn nhất của quân đội, từ các hoạt động bí mật trên mặt đất cho đến các chiến dịch tinh vi trên bầu trời Afghanistan.
Chuyến bay ngày 30/8 khởi hành 2 tuần sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, dẫn đến những lo âu và hỗn loạn. Tổ chức này đã lật đổ chính phủ được Mỹ hậu thuẫn chỉ trong 24 giờ sau khi kéo đến Kabul, giành được cơ sở hạ tầng mà Mỹ đã rót hàng nghìn tỷ đôla qua 5 nhiệm kỳ tổng thống.
Những gì diễn ra ở Afghanistan đặt ra một loạt câu hỏi hóc búa, đặc biệt là số phận của những người Mỹ còn ở lại, những người Afghanistan đủ điều kiện và công dân nước thứ ba đã cố gắng đến sân bay Kabul trước thời hạn mà chính quyền Tổng thống Joe Biden tự đặt ra vào 31/8 nhưng không thành.
Trên truyền hình tối 30/8, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ làm việc để giúp người Afghanistan, bao gồm cả việc tiếp tục hỗ trợ các cơ quan Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở đó. "Chúng tôi hy vọng những nỗ lực đó sẽ không bị Taliban hay bất kỳ ai khác cản trở", ông Blinken nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, các tư lệnh quân sự Mỹ xác nhận nhiều người vẫn bị mắc kẹt ở Afghanistan và Bộ Ngoại giao ở Washington – dù không có sự hiện diện chính thức tại nước này – sẽ chịu trách nhiệm đàm phán đưa họ rời đi.
Giờ đây, họ đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng lớn từ các nhóm khủng bố, chủ yếu là một nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – thủ phạm thực hiện vụ tấn công chết người vào sân bay Kabul tuần trước khiến một số lính Mỹ thiệt mạng.
Ngoại trưởng Blinken cho biết, ông sẽ phát biểu trước người dân Mỹ và giải thích vì sao không kéo dài sự hiện diện của quân đội nước này để hồi hương tất cả những công dân Mỹ và các đối tác còn ở Afghanistan – một quyết định mà ông cho rằng đã nhận được sự ủng hộ từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và các tư lệnh trên mặt đất.
Hiện chưa rõ cách thức cụ thể Mỹ dự định tiến hành ở Afghanistan. Các quan chức cả hành chính và quân sự đều cho rằng Mỹ cần duy trì "một đòn bẩy lớn" đối với Taliban. Tuy nhiên, trở ngại lớn là Washington không còn hiện diện ở Afghanistan nữa.
Đến nay cũng chưa có câu trả lời rõ ràng cho việc làm thế nào Mỹ có thể đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái mà nước này đã giúp thiết lập sau khi lật đổ chế độ Taliban thời kỳ đầu cuộc chiến. Hoặc, làm thế nào bảo đảm được các trang thiết bị quân sự trị giá hàng chục tỷ đôla đã đầu tư cho các lực lượng quân sự mà Mỹ hậu thuẫn - như xe tăng, súng trường, đạn dược và kính nhìn ban đêm - mà Taliban giờ đây có quyền tiếp cận tự do.
Giữa những ngổn ngang đó, khiến mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn là một số tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã đình chỉ viện trợ cho Afghanistan, đất nước có tới hơn 18 triệu trong tổng số 38 triệu dân cần hỗ trợ nhân đạo. Vì cộng đồng quốc tế giữ thái độ chờ đợi đối với Taliban, nên dự báo viện trợ cho Afghanistan sẽ ít hơn nhiều so với những năm trước đây trong ngắn hạn.
Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc cảnh báo, Afghanistan sẽ đối mặt tình trạng thiếu lương thực ngay từ tháng 9, nếu hỗn loạn tiếp tục diễn ra tại nước này.
>>> Cập nhật chiến sự ở Afghanistan
Thanh Hảo
Mỹ công bố 'chương mới' trong chính sách tại Afghanistan
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 30/8 đã đặt nền móng cho cách tiếp cận mới đối với Afghanistan.