Tổng thống Biden rời Mỹ vào thời điểm chương trình nghị sự trong nước của ông đang gặp nhiều trở ngại, khi các cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về gói đầu tư cơ sở hạ tầng sụp đổ và các ưu tiên lập pháp khác, chẳng hạn như quyền bỏ phiếu vấp phải những nghi ngờ nghiêm trọng. Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain, phụ tá lâu năm của ông Biden, đang ở lại Washington để giữ cho các ưu tiên đó đúng hướng.
Tổng thống Biden đưa tay chào khi lên chuyên cơ Không lực Một rời căn cứ quân sự Andrews ở bang Maryland để lên đường đến Anh ngày 9/6. Ảnh: Reuters |
Các trợ lý tiết lộ, dù trọng tâm của vị Tổng thống thứ 46 trong những tháng đầu nhiệm kỳ là giải quyết các vấn đề bên trong lãnh thổ Mỹ, chủ yếu là đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, nhưng chính sách đối ngoại vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông.
Theo CNN, ông Biden có nhiều kinh nghiệm ngoại giao hơn cả 4 Tổng thống Mỹ gần đây nhất cộng lại. Thời còn làm Phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama, ông Biden đã có các chuyến công cán tới hơn 50 nước trên thế giới, với tổng quãng đường di chuyển trên 1,9 triệu km, đủ để đưa ông đi vòng quanh Trái đất 48 lần.
Sau hơn 40 năm đứng nhìn các tổng thống khác quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Biden rốt cuộc đã ở vị thế người tự ra quyết sách. Ông sẽ là một trong những gương mặt mới nhưng cao tuổi nhất tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra cuối tuần này ở Anh.
Ông cũng sẽ trở thành lãnh đạo Nhà Trắng thứ 13 từng diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài Windsor, trước khi lên đường tới Brussels, Bỉ để gặp các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rồi đến Geneva, Thụy Sỹ vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thiết lập lại quan hệ với Nga
Khi Tổng thống Biden nói với các quan chức vào mùa xuân này rằng, ông muốn sớm có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga, các trợ lý đã nhanh chóng tìm cách hiện thực hóa ý định. Hai chính quyền tiền nhiệm ông đã cố gắng nhưng không phát triển được mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow.
Các cố vấn chính sách đối ngoại giàu kinh nghiệm từng chứng kiến ông Putin kiểm soát những cuộc gặp song phương nói trên, nên một số tỏ ra băn khoăn liệu ông Biden có thể thu được gì khi gặp Tổng thống Nga vào thời điểm hiện tại, chưa đầy 6 tháng sau khi bước chân vào Nhà Trắng.
Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ từng là chủ đề tranh luận nội bộ ở Washington giữa những người ủng hộ và phe hoài nghi. Một loạt diễn biến như những vụ tấn công mạng bị cáo buộc do các tin tặc ở Nga thực hiện... đã dẫn đến việc chính quyền Biden phải bàn bạc thêm liệu đây có phải thời điểm thích hợp cho hai nguyên thủ gặp gỡ hay không.
Đại sứ Mỹ tại Nga thậm chí cảnh báo các nhà lập pháp rằng ông Biden có nguy cơ lặp lại sai lầm của những người tiền nhiệm nếu không tỉnh táo tiếp cận quan hệ với lãnh đạo Điện Kremlin. Tuy nhiên, sau hai cuộc điện đàm với ông Putin, ông Biden vẫn tin rằng các cuộc tiếp xúc trực tiếp là cách thích hợp duy nhất để thực sự gắn kết với Tổng thống Nga.
Quyết tâm gặp ông Putin bất chấp sự nghi ngại phản ánh quan điểm lâu nay của ông Biden rằng, việc vun đắp mối quan hệ cá nhân là cách duy nhất để giải quyết trực diện các vấn đề lớn hiện nay của thế giới.
"Ông Putin có phong cách ra quyết định mang tính cá nhân hóa cao. Do đó, điều quan trọng là Tổng thống Biden có thể ngồi đối diện với ông ấy để nói rõ về vị thế của chúng tôi, hiểu được vị thế của ông ấy, cố gắng kiểm soát những khác biệt và xác định những lĩnh vực mà chúng ta có thể làm vì lợi ích của nước Mỹ để đạt được tiến bộ", Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh.
Căn cứ vào các phát biểu gần đây, ông Biden rõ ràng đang nhắm đến một mối quan hệ Mỹ - Nga "ổn định và có thể đoán trước được", thay vì xung đột. Song, ông cũng khẳng định sẽ không nhượng bộ nếu Nga có "các hoạt động gây hại". Một số nhà phân tích nhận định, thông qua cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Putin, ông Biden dường như cũng muốn chứng tỏ sự khác biệt với người tiền nhiệm Donald Trump.
Củng cố liên minh truyền thống
Trong một bài phát biểu không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Biden đã tuyên bố với các đồng minh và đối tác rằng: "Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Chúng ta không nhìn lại phía sau. Chúng sẽ cùng nhau hướng nhìn về phía trước".
Chuyến đi mang tính biểu tượng lần này được cho là cơ hội để ông Biden chứng minh sức mạnh của nền dân chủ và khôi phục các liên minh truyền thống của Mỹ sau 4 năm rạn nứt và căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm. Các quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Washington đã xấu đi nghiêm trọng khi chính quyền Trump đơn phương rút khỏi một loạt thỏa thuận hợp tác và áp thuế nhập khẩu với một số mặt hàng của châu Âu.
Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 8/6, ông Biden cũng xác nhận một mục tiêu then chốt của chuyến công du lần này là "củng cố liên minh, cho Nga và Trung Quốc thấy quan hệ giữa Mỹ - châu Âu bền chặt và G7 sẽ tiến bước".
Tuy nhiên, theo báo New York Times, thách thức với ông Biden hiện nay là người châu Âu vẫn còn hoài nghi về sự ổn định và tính bền vững chính sách của Washington, khi đến năm 2024 nước Mỹ lại có một tổng thống mới. Họ lo ngại, chính sách biệt lập như của ông Trump và chủ nghĩa dân tộc quốc gia sẽ sớm quay trở lại thống trị xứ sở cờ hoa, đặc biệt sau vụ người biểu tình quá khích tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ, gây bạo loạn chết người trên Đồi Capitol ngày 6/1.
Trong khi đó, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề về thương mại, thuế quan, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, đóng góp của các nước thành viên cho NATO... Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu kể từ khi ông Biden rời ghế phó tổng thống cùng đường lối khác biệt của một số nhà lãnh đạo như Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Tổng thống Pháp Macron Macron cũng có thể là trở ngại đối với mục tiêu của ông.
Ngoại giao vắc xin
Việc ông Biden đưa Jeff Zients, một trong những cố vấn chống đại dịch hàng đầu của Nhà Trắng đi cùng dường như ám chỉ virus SARS CoV-2 sẽ là một trong những chủ đề nghị sự chính trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông.
Người đứng đầu Chính phủ Mỹ đến Cornwall, Anh, địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 trong bối cảnh các quan chức ngày càng lo ngại về Delta, biến thể virus nguy hiểm hơn, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ nhưng đang là thủ phạm chính khiến dịch lây lan ở xứ sở sương mù.
Ông Biden được tin có thể phải đối mặt với sự bất bình của người châu Âu vì Mỹ tích trữ dư thừa vắc xin nhưng chậm trễ chia sẻ với thế giới. Ngoài ra, chính quyền của ông đã cam kết xóa bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin, trong khi một số nước châu Âu như Đức cực lực phản đối.
Hai nguồn thạo tin tiết lộ trên CNN rằng, ông Biden sẽ tìm cách trấn an các đồng minh về vai trò của Mỹ trong việc phân phối vắc xin ngừa Covid-19 và dự kiến sẽ đưa ra một thông báo quan trọng liên quan đến sản xuất chế phẩm này tại hội nghị thượng đỉnh G7.
Theo tờ Washington Post và New York Times, chính quyền Biden đã lên kế hoạch mua 500 triệu liều vắc xin Pfizer để tài trợ cho gần 100 quốc gia trong 2 năm tới, thông qua chương trình chia sẻ COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu.
Cứng rắn với Trung Quốc
Trong cuộc họp báo trước chuyến đi, Amanda Sloat, Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói, Trung Quốc sẽ là vấn đề trọng tâm xuyên suốt các cuộc gặp của ông Biden, kể cả với người đồng cấp Nga.
Sau khi lên nắm quyền, ông Biden đã tiếp tục các chính sách đối phó với Bắc Kinh kể từ thời ông Trump và thậm chí có lúc còn tỏ ra cứng rắn hơn. Điểm khác biệt của ông Biden với người tiền nhiệm là ông muốn tiếp cận vấn đề một cách đa phương, cùng các nước đồng minh và đối tác xây dựng một mặt trận thống nhất nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Song, rắc rối ở chỗ Washington chưa giành được sự ủng hộ như mong muốn. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp tuyên bố không muốn tham gia vào kế hoạch của Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 2 thậm chí cảnh báo EU không nên "hùa theo Mỹ chống Trung Quốc".
Hơn thế nữa, dù Nghị viện châu Âu đã cho đình chỉ thỏa thuận hợp tác đầu tư đã ký giữa EU và Trung Quốc hồi tháng 12/2020, nhưng các quan chức hàng đầu liên minh như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vẫn ủng hộ thỏa thuận.
Tuấn Anh
Thách thức ông Biden phải đương đầu trong chuyến công du đầu tiên
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/6 đi Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Ông Biden khẳng định 'đưa nước Mỹ trở lại' trong chuyến công du đầu tiên
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh thông điệp trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị mới rằng: 'Nước Mỹ đã trở lại'.