Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức trong chính quyền của ông nhiều lần lên tiếng đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát đại dịch Covid-19, cáo buộc Bắc Kinh "đánh cắp các bí mật công nghiệp của Mỹ cũng như đe dọa cắt đứt hoàn toàn quan hệ".
Trung Quốc nhất quyết bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, tố cáo chính quyền của ông Trump đang "làm xói mòn hợp tác toàn cầu và tìm cách châm ngòi cuộc chiến tranh lạnh mới."
Khẩu chiến leo thang khi George N. Sibley, Phó trưởng phái đoàn Mỹ tại Myanmar hôm 18/7 cho đăng tải một bài xã luận trên báo địa phương, cáo buộc Trung Quốc "đang làm suy yếu chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, xây đặc khu kinh tế, khai thác lao động và tài nguyên nhiều khuất tất". Theo ông Sibley, những dự án này đã tạo điều kiện cho tham nhũng, gây nợ nần chồng chất, hủy hoại môi trường của Myanmar cũng như "làm lợi cho Bắc Kinh nhiều hơn là cho người dân địa phương".
Nhà ngoại giao Mỹ cũng đề cập tới các "hành động gây hấn, rất đáng lo ngại" của Trung Quốc ở Biển Đông và cảnh báo Myanmar cũng như bất kỳ quốc gia nào khác đều có thể trở thành nạn nhân kế tiếp.
Chỉ vài tiếng sau khi tờ Irrawady đăng bài xã luận của ông Sibley, Đại sứ quán Trung Quốc đã ra thông cáo có nội dung dài gấp đôi, bằng cả tiếng Anh và tiếng Myanmar trên trang web chính thức và Facebook nhằm phản bác ý kiến của nhà ngoại giao Mỹ. Các đại diện của Bắc Kinh cho rằng, ông Sibley đang cố tình khoét sâu hố ngăn cách giữa hai nước láng giềng và đó là hành động "ích kỷ, đạo đức giả".
Trước bài xã luận của ông Sibley, trên trang Khaosod English, Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Michael George DeSombre từng trích dẫn các vụ việc trong đó Trung Quốc đang làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Ông cũng đồng thời cáo buộc Trung Quốc đang "âm mưu biến sông Mekong thành Biển Đông thứ hai."
Nhà ngoại giao Mỹ lưu ý, mực nước tại nhiều con sông ở Thái Lan đã xuống thấp kỷ lục do Bắc Kinh xây đập trên thượng nguồn Mekong. Hơn thế nữa, "Bắc Kinh tiếp tục tác động tới các dòng sông ở đại lục và tìm cách làm suy yếu Ủy hội sông Mekong để tối đa hóa lợi ích, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia ở hạ nguồn cũng như sự phản đối của họ."
Tại một cuộc phỏng vấn ngay sau đó với tờ Bangkok Post, ông DeSombre nói, Mỹ hiện đang tập trung vào Biển Đông nhằm ủng hộ tự do hàng hải cũng như đảm bảo rằng Trung Quốc không thể mở rộng việc kiểm soát vùng biển này một cách bất hợp pháp.
"Đây là một khu vực quan trọng với Thái Lan, vì dù không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng các bạn đang là nước hưởng lợi lớn từ tự do hàng hải. Giá trị xuất khẩu hàng hóa chiếm tới khoảng 80% GDP của các bạn nên nếu hoạt động xuất nhập khẩu qua kênh vận tải biển này không mở và tự do, nó sẽ là vấn đề lớn", Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.
Ông DeSombre cũng lên tiếng ủng hộ lập trường của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 36 của khối vào ngày 26/6, đồng thời nhấn mạnh những quan điểm này phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Giới quan sát nhận định, thông qua các phát biểu trên báo chí địa phương, các nhà ngoại giao Mỹ như ông DeSombre đang cố gắng cảnh báo dư luận các nước về cách hành xử "bất chấp luật pháp" của Trung Quốc, cũng như thuyết phục họ cần phản đối hành động sai trái đó.
Ngược lại, các đại diện ngoại giao Trung Quốc không ngừng phủ nhận cáo buộc của các đồng nghiệp Mỹ. Họ khẳng định, "Bắc Kinh cam kết thúc thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thậm chí buộc tội Washington đang âm mưu thổi bùng căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á, gây mất ổn định khu vực.
Tuấn Anh
Những điểm đáng chú ý trong chính sách mới về Biển Đông của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa công bố sự thay đổi quan trọng về chính sách Biển Đông của nước này, cho thấy Washington không còn im lặng để mặc Trung Quốc lấn át trong khu vực.
Mỹ-Trung leo thang căng thẳng, chiến tranh lạnh 2.0 bùng nổ?
Giới quan sát ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự đã bắt đầu, thay vì chỉ tồn tại dưới dạng nguy cơ như trước đây.