Giữa lúc căng thẳng leo thang, với quân đội Nhà nước Do Thái bắn phá Dải Gaza còn các chiến binh Palestine phóng nã rocket về Israel, Washington đã cử Hady Amr - quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ - đi gặp các nhà lãnh đạo Israel và Palestine.

Chính quyền ông Biden đã liên hệ với Ai Cập, Qatar, Jordan, Tunisia, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) để cố gắng định hình một phản ứng khu vực.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: EPA

Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ đã tham gia vào các nỗ lực khu vực trước khi Tổng thống Biden cam kết hôm 12/5 rằng sẽ "giữ liên lạc cá nhân" với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Trao đổi với báo chí hôm sau đó, ông Blinken bày tỏ Mỹ "quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực trên đường phố Israel".

"Người Israel và người Palestine xứng đáng tham gia các lễ kỷ niệm [tôn giáo] mà không phải lo sợ bạo lực. Chúng tôi tin người Israel và người Palestine xứng đáng được hưởng các biện pháp bình đẳng về tự do, an ninh, phẩm giá và thịnh vượng. Sự công nhận đó sẽ tiếp tục thúc đẩy cách tiếp cận của chúng tôi", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nói. 

Khi được hỏi liệu Thủ tướng Netanyahu có đang làm đủ để ngăn bạo lực leo thang hay không, Tổng thống Biden khẳng định ông chưa thấy "phản ứng thái quá nào" từ phía Israel. "Câu hỏi là làm thế nào. . . họ tiến tới mức mà có sự giảm bớt đáng kể các cuộc tấn công, đặc biệt là tấn công rocket bừa bãi vào các trung tâm dân cư", ông Biden nói. 

Nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng, trong đó có thực tế là Washington có rất ít đòn bẩy đối với Hamas, một tổ chức mà Mỹ liệt vào hàng khủng bố.

Aaron David Miller - nhà đàm phán về Ảrập-Israel làm việc trong nhiều chính quyền khác nhau của Mỹ  - nói rằng quan điểm không thích rủi ro của Tổng thống Biden sẽ được duy trì trừ khi có [thương vong hàng loạt] nào đó. . . và điều này thực sự xấu đi".

Tính đến 13/5, số người thiệt mạng ở Gaza lên đến 87, còn ở Israel là 7.

{keywords}
Xung đột leo thang, bộ binh Israel tấn công Gaza sớm 14/5 Ảnh: AP

Sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng ở Mỹ dành cho Israel đã chịu thử thách dưới thời Tổng thống Obama, và Thủ tướng Netanyahu có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Donald Trump, người đã mang lại nhiều lợi ích mạnh mẽ cho cho Israel.

Giờ đây, Tổng thống Mỹ đương nhiệm có mối quan hệ đa sắc thái với Thủ tướng Netanyahu.

Trong khi khôi phục viện trợ của Mỹ dành cho người tị nạn Palestine vốn đã bị cắt đứt bởi người tiền nhiệm, ông Biden cũng không thay đổi các quyết sách thời Trump, chẳng hạn như việc di dời đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem hoặc đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine ở Washington.

Tổng thống Biden không đồng tình với chính sách định cư của Israel ở Bờ Tây (mà hầu hết thế giới cũng coi là bất hợp pháp), nhưng ông lại phản đối yêu cầu từ một số nhân vật cánh tả của đảng Dân chủ rằng Mỹ nên tạo điều kiện hỗ trợ Israel theo cách đối xử với người Palestine.

"[Ông ấy] thiện cảm với Israel về cơ bản…", FT dẫn lời bình luận của Michael Makovsky - Chủ tịch Viện Do Thái về An ninh quốc gia Mỹ - một nhóm bảo thủ ủng hộ Israel. "Tôi đánh giá cao ông ấy… Tôi nghĩ ở đây [về các vấn đề Israel - Palestine], ông ấy tốt hơn so với chính quyền Obama. Họ không muốn có những mâu thuẫn công khai với Israel".   

Trong khi đó, một thành viên phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc tuyên bố Washington "ủng hộ một cuộc họp mở tại Hội đồng Bảo an vào đầu tuần tới nhằm tạo không gian cho các nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành ở cấp cao nhất, để xuống thang căng thẳng và tiến tới ngừng bắn" ở Gaza.

Còn theo một nhân vật nắm rõ chính sách Israel của Tổng thống Biden, ở cấp độ riêng tư, giới chức Mỹ đang thúc giục Israel kiềm chế và làm rõ các mục tiêu của mình.

Mỹ đã cố gắng đi trên dây – lên án các cuộc tấn công của cả hai bên và phản đối việc trục xuất các gia đình Palestine ở Jerusalem, nhưng Hamas đã nã ít nhất 1.500 quả rocket về phía các thị trấn của Israel và đây được coi là một phép thử đối với cách tiếp cận này.

"Tư tưởng Hamas có thể bắn tên lửa vào Israel – với ông Biden, điều đó không những không chấp nhận được mà còn là sự xúc phạm", một quan chức cấp cao của Mỹ bình luận. "Nó làm thay đổi bối cảnh một cách cơ bản".

Trong khi những người tiến bộ muốn Tổng thống Biden chỉ định một đặc phái viên về cuộc xung đột Ảrập – Israel, chính quyền của ông muốn khôi phục vai trò quan trọng của Ai Cập – nước đã dàn xếp một số thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas trong cuộc chiến 2014 – để giải quyết khủng hoảng. Cairo có đòn bẩy sẵn có vì nước này kiểm soát biên giới của mình với Dải Gaza.

Hôm 12/5, Jeremy Ben-Ami, chủ tịch của J Street, một nhóm ủng hộ người Do Thái tiến bộ - cáo buộc Mỹ "không đếm xỉa đến ngoại giao" và kêu gọi Washington đóng một vai trò "mạnh mẽ và tích cực hơn nữa". Vị này muốn chính quyền Biden đưa ra một thông điệp rõ ràng, dứt khoát rằng "những hành động khiêu khích ở Jerusalem vốn là nguồn cơn của tình trạng hiện nay phải chấm dứt". 

Thanh Hảo

Xung đột leo thang, bộ binh Israel tấn công vào Gaza

Xung đột leo thang, bộ binh Israel tấn công vào Gaza

Israel tuyên bố đã đưa quân đội vào Gaza lúc sáng sớm nay (14/5). Đây là một sự leo thang bạo lực lớn giữa người Israel và Palestine.

Cảnh tan hoang sau màn ăn miếng trả miếng Israel - Hamas

Cảnh tan hoang sau màn ăn miếng trả miếng Israel - Hamas

Cuộc xung đột tồi tệ nhất giữa Israel và Hamas trong 7 năm qua tiếp tục kéo dài đến đêm ngày 11/5.