Cảnh sát phun vòi rồng vào người biểu tỉnh ở Naypyidaw hôm 9/2 |
Theo hãng tin Reuters, Mỹ và Liên Hợp Quốc đã lên án việc sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình, những người phản đối đảo chính và đòi trả tự do cho cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và loạt quan chức chính phủ bị quân đội bắt sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào hôm 1/2.
“Chúng tôi kịch liệt lên án bạo lực chống lại người biểu tình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói. Ola Almgren, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Myanmar, cũng cho rằng việc sử dụng vũ lực nhắm vào người biểu tình như vậy là "không thể chấp nhận được".
Hàng nghìn người đã tham gia vào các cuộc biểu tình ở thành phố Yangon, trong khi ở thủ đô Naypyitaw, hàng trăm nhân viên chính phủ đã tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch “bất tuân dân sự”, vốn được bắt đầu bởi các nhân viên y tế.
Trong một diễn biến khác, quân đội Myanmar tối 9/2 đã bất ngờ đột kích vào trụ sở đảng NLD của bà Suu Kyi. “Quân đội đột kích và phá hủy trụ sở của NLD vào 21h30”, đảng này đăng lên Facebook song không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.
Giới chức quân đội Myanmar hôm 8/2 đã ban lệnh thiết quân luật ở Yangon và Mandalay, cấm người dân biểu tình hoặc tụ tập quá đông người, yêu cầu dân chúng không ra đường từ 20h hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại vùng Ayeyarwaddy.
New Zealand hôm 9/2 đã trở thành chính phủ nước ngoài đầu tiên có hành động cụ thể nhằm phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar, khi tuyên bố ngừng tiếp xúc quân sự và chính trị cấp cao với Myanmar.
Dương Lâm
Nước đầu tiên cắt đứt quan hệ với Myanmar sau đảo chính
New Zealand tuyên bố đình chỉ tất cả các liên hệ cấp cao với Myanmar và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân sự của quốc gia Đông Nam Á sau cuộc chính biến vừa qua.
Lãnh đạo quân đội Myanmar tuyên bố tổ chức bầu cử lại
Tuyên bố của lãnh đạo quân sự Myanmar được đưa ra khi các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng vạn người dân nước này đã kéo sang ngày thứ ba.