Trang Al Jazeera dẫn kết quả một cuộc điều tra được công bố ngày 18/7 cho thấy, hơn 1.000 số điện thoại ở Ấn Độ nằm trong danh sách gần 50.000 số được lựa chọn trên toàn thế giới có thể là mối quan tâm đối với các khách hàng của Tập đoàn NSO (có trụ sở tại Israel), nhà sản xuất phần mềm gián điệp Pegasus.
Danh sách bị rò rỉ - được tổ chức phi lợi nhuận về báo chí Forbidden Stories có trụ sở ở Paris (Pháp) và tổ chức Ân xá Quốc tế chia sẻ với nhiều hãng tin – cho thấy danh tính của những người bị nhắm đến, với hơn 300 trong những số điện thoại đó ở Ấn Độ, bao gồm nhiều chính trị gia, hàng chục nhà báo, thương gia, thậm chí cả hai bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Modi.
Ít nhất 2 bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Modi cũng có tên trong dữ liệu bị rò rỉ. Ảnh: Reuters |
Truyền thông Ấn Độ đưa tin, đối thủ chính của ông Modi – cựu Chủ tịch đảng Quốc đại Rahul Gandhi – nằm trong số hàng chục chính trị gia, các nhà hoạt động và chỉ trích chính phủ ở nước này được định danh là các mục tiêu tiềm tàng của phần mềm gián điệp Pegasus.
"Việc theo dõi các lực lượng an ninh, tư pháp, các bộ trưởng nội các của Ấn Độ, các nhà lãnh đạo đối lập bao gồm Rahul Gandhi, các nhà báo và nhiều hoạt động khác thông qua phần mềm gián điệp của một tổ chức nước ngoài chẳng phải là hành động phản quốc và phá hoại an ninh quốc gia hay sao?", phát ngôn viên đảng Quốc đại Randeep Surjewala nêu câu hỏi tại một cuộc họp báo ở New Delhi ngày 19/7.
Các số điện thoại của ông Gandhi dường như đã được chọn để nhắm tới từ năm 2018 đến giữa năm 2019, khi các cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức ở Ấn Độ.
Cùng ngày 19/7, đảng Quốc đại đã yêu cầu mở cuộc điều tra về vai trò của Thủ tướng Modi cùng trợ tá thân cận nhất của ông, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, về bê bối này.
Tổ chức Forbidden Stories và Ân xá Quốc tế đã tiếp cận một danh sách gồm hàng chục nghìn số điện thoại trên toàn thế giới tiềm tàng bị phần mềm gián điệp Pegasus nhắm tới, và chia sẻ danh sách này với các tổ chức truyền thông ở nhiều nước khác nhau. Trong khi Forbidden Stories giám sát cuộc điều tra mang tên Dự án Pegasus, phòng An ninh của Ân xá Quốc tế cung cấp các phân tích và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình điều tra.
Pegasus là phần mềm gián điệp thuộc sở hữu của Tập đoàn NSO, một hãng công nghệ Israel. Phần mềm này cho phép giám sát từ xa các điện thoại thông minh, bí mật mở khóa nội dung của điện thoại di động mục tiêu và biến nó thành một thiết bị nghe.
NSO tuyên bố phần mềm này được bán độc quyền cho một số chính phủ trên khắp thế giới để chống "khủng bố" và các tội phạm nghiêm trọng khác. Công ty khẳng định những kết luận mà Dự án Pegasus đưa ra "bị phóng đại và vô căn cứ".
Thanh Hảo
Thế giới chấn động vụ phần mềm gián điệp Pegasus
Nhiều chính phủ trên khắp thế giới đang phải đối mặt với cáo buộc rằng họ đã dùng một phần mềm độc hại do Israel sản xuất để theo dõi điện thoại của các nhà báo, nhà hoạt động, giám đốc điều hành công ty và chính trị gia.