Bộ Y tế, ngày 28/2, cho biết, trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá độ ổn định liên quan đến hạn dùng của vắc xin được bổ sung, Cục Quản lý Dược đã đồng ý tăng hạn dùng của vắc xin phòng Covid-19 Abdala từ 6 tháng lên 9 tháng.
Trước đó, vào ngày 8/10/2021 Bộ Y tế đã có quyết định về việc phê duyệt có điều kiện vắc xin Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Hạn dùng theo hướng dẫn sử dụng là 6 tháng ở điều kiện bảo quản 2 - 8 độ C.
Cũng như các vắc xin phòng Covid-19 khác, vắc xin Abdala được nghiên cứu và phê duyệt theo hình thức cuốn chiếu, nghĩa là phê duyệt cho những phần đã hoàn thiện trong khi nhà sản xuất vẫn tiếp tục nghiên cứu bổ sung.
Vắc xin phòng Covid-19 Abdala. |
Trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá độ ổn định liên quan đến hạn dùng của vắc xin được bổ sung, Cục Quản lý Dược đã đồng ý tăng hạn dùng của vắc xin Abdala từ 6 tháng lên 9 tháng ở điều kiện bảo quản 2 – 8 độ C.
Bộ Y tế khẳng định,việc tăng hạn dùng đối với vắc xin Abdala không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vắc xin.
Abdala là vắc xin thứ 8 được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp trong điều kiện cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Mỗi liều vắc xin 0,5ml chứa 50 mcg vắc xin protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của virus SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vắc xin được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.
Vắc xin Abdala chỉ định tiêm phòng cho người từ 19 tuổi đến 65 tuổi, lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày.
Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm vắc xin Abdala bao gồm những người có bệnh nền mãn tính, người mắc bệnh tự miễn hoặc chuyển hóa nội tiết, tăng huyết áp, nhiễm trùng cấp tính. Phụ nữ có thai cần cân nhắc lợi ích của việc tiêm vắc xin Abdala trong thai kỳ so với rủi ro tiềm ẩn đối với thai phụ và thai nhi.
Bộ Y tế cho biết, các phản ứng thể nhẹ chiếm 97% phản ứng sau tiêm chủng vắc xin này (tự khỏi mà không phải điều trị bằng thuốc), thường xuất hiện từ 24 đến 48 giờ sau tiêm vắc xin. Các tác dụng không mong muốn xảy ra cao hơn ở liều đầu tiên và giảm ở các liều tiêm tiếp theo.
Thống kê hơn 3 triệu liều sử dụng trong cộng đồng ghi nhận rất hiếm các trường hợp phản vệ; không có trường hợp tử vong hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác liên quan đến tiêm chủng.
Ngọc Trang
Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin mRNA theo sáng kiến của WHO
Việt Nam cùng với Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia sẽ tiếp nhận công nghệ mRNA từ Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).