Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vắc xin Nanocovax của Nanogen hiện là ứng viên rất tiềm năng, sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 ngay đầu tháng 6.

“Trong giai đoạn 3, chúng ta sẽ vừa thử nghiệm vừa đánh giá, nếu hội đồng chuyên môn, hội đồng đạo đức thông qua và sau đó xin ý kiến Thủ tướng, Phó Thủ tướng, chúng ta có thể cấp phép trong tình trạng khẩn cấp cho Nanocovax giống như các vắc xin khác của nước ngoài”, Thứ trưởng thông tin.

Khi được hỏi về cơ chế pháp lý cho việc này, Thứ trưởng nói, vắc xin Việt Nam đang mua và vắc xin do thế giới hỗ trợ Việt Nam cũng nằm trong cơ chế cấp phép khẩn cấp nên việc này hoàn toàn phù hợp.

Vắc xin Nanocovax sẽ thử nghiệm giai đoạn 3 tại các trung tâm trong nước với khoảng 13.000 người tham gia, độ tuổi từ 18-75. Theo kế hoạch, ngay trong tuần này, các đơn vị nghiên cứu sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 cho khoảng 1.000 người.

{keywords}

Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax tại Học viện Quân y

Thay vì 3 mức liều như các giai đoạn trước, giai đoạn 3 chỉ tiêm duy nhất liều 25mcg song song với một nhóm tiêm giả dược.

Kết quả đánh giá giai đoạn 2 cho thấy, vắc xin Nancovax tốt hơn mong đợi, vắc xin đảm bảo tính an toàn. 100% tình nguyện viên đều sinh kháng thể, trong khi nhiều loại vắc xin khác trên thế giới chỉ đạt hơn 90%, thậm chí chỉ đạt 60-70%.

Nồng độ kháng thể ở ngày thứ 35 và 42 sau tiêm mũi 1 tăng rất cao, từ hàng chục đến hàng trăm lần, trong khi mức tăng 4-20 lần đã được đánh giá tốt.

Qua 2 giai đoạn thử nghiệm, vắc xin Nanocovax có thể ngăn ngừa được biến thể Anh và Nam Phi. Tác dụng với biến thể Ấn Độ sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn 3.

Nếu suôn sẻ, sau khi bắt đầu giai đoạn 3 khoảng 2 tháng, Bộ Y tế sẽ có dữ liệu để đánh giá, cân nhắc xem có đủ điều kiện để cấp phép khẩn cấp hay không.

Hiện tại, Nanogen đã được một đơn vị trong nước tài trợ hàng trăm triệu đô la để thúc đẩy quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối vắc xin Nanonovax cũng như chuẩn bị cho giai đoạn sản xuất quy mô lớn.

Dù vậy, Nanogen chưa tiết lộ cụ thể về kế hoạch sản xuất cũng như khả năng cung ứng cho thị trường.

Dự kiến ngay trong tuần này, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với các đơn vị nghiên cứu vắc xin trong nước để động viên, tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin nội.

Thời gian qua, Bộ Y tế rất nỗ lực đàm phán với nhiều bên, đặt mục tiêu có được 150 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm nay để tiêm cho người dân.

Trong số này, Covax cam kết hỗ trợ Việt Nam 39 triệu liều và Bộ Y tế đặt mua qua cơ chế Covax thêm 10 triệu liều; đặt mua 30 triệu liều AstraZeneca qua VNVC; ký mua với Pfizer 31 triệu liều. Ngoài ra còn nguồn vắc xin được tặng, nên tổng năm nay Việt Nam dự kiến có được 150 triệu liều vắc xin. Tuy nhiên số lượng thực tế và thời điểm cung cấp phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Cũng giống như vắc xin cúm, vắc xin ngừa Covid-19 chỉ có hiệu quả bảo vệ từ 6 tháng đến 1 năm nên sẽ phải tiêm nhắc lại định kỳ. Vì vậy, việc chủ động nguồn vắc xin trong nước sẽ giúp Việt Nam chủ động mở cửa lại nền kinh tế và giao thương đi lại.

Thúy Hạnh

Việt Nam nhận thêm 5 triệu liều vắc xin AstraZeneca, Pfizer 2 tháng tới

Việt Nam nhận thêm 5 triệu liều vắc xin AstraZeneca, Pfizer 2 tháng tới

Dự kiến trong 2 tháng tới, Việt Nam sẽ nhận thêm ít nhất 5 triệu liều vắc xin AstraZeneca và Pfizer.