Andrew Pollard là người đứng đầu Nhóm vắc xin Oxford tại Đại học Oxford (Anh), đồng thời là trưởng điều tra viên của thử nghiệm vắc xin virus corona ChAdOx1 nCoV-19, đang thu thập dữ liệu từ gần 24.000 tình nguyện viên ở Anh, Brazil và Nam Phi.
Dưới đây là chia sẻ của ông Pollard về vắc xin ngừa Covid-19:
Sau một năm chiến đấu với Covid-19 đầy khó khăn, giờ đây chúng ta bắt đầu thấy nhiều loại vắc xin hiệu quả được đưa ra trên toàn thế giới, bao gồm vắc xin Oxford - AstraZeneca mà tôi đã tham gia phát triển. Do đó, mọi người có thể bắt đầu hỏi: "Khi nào thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường?".
Ảnh minh họa: News18
Dấu hiệu chính của điều này là khi áp lực bắt đầu giảm bớt đối với các hệ thống y tế công cộng. Cho đến nay, vắc xin Oxford - AstraZeneca, Johnson & Johnson, Novavax, Moderna và Pfizer - BioNTech đều cho thấy khả năng bảo vệ cao, ngay cả ở những quốc gia có biến thể mới.
Đây là một tin rất tốt nhưng thực tế, một lượng lớn dân số có nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm chủng trên khắp thế giới. Chúng ta cần tiêm khẩn cấp vắc xin cho họ để ngăn ngừa ca bệnh nặng. Chúng ta và các chính trị gia của chúng ta phải phá bỏ các rào cản đối với việc phân phối chúng.
Điều này đặc biệt cần thiết vì chúng ta đã thấy sự gia tăng của các biến thể mới. Những đột biến này dường như đã phát sinh trong các nhóm dân cư có tỷ lệ lớn người nhiễm bệnh và đã có mức độ miễn dịch tương đối cao, vì vậy virus đã phải thay đổi để tồn tại.
Những đột biến mà chúng ta đang thấy ở Nam Phi và Brazil khiến virus dễ dàng lây nhiễm sang những người đã được miễn dịch. Chúng trốn tránh các kháng thể trung hòa mà con người tạo ra sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng.
Bất chấp nhận định đáng lo ngại này, chúng ta vẫn nên lạc quan rằng khả năng miễn dịch chống lại virus từ vắc xin hoặc sau khi nhiễm bệnh có thể ngăn ngừa bệnh nặng, ngay cả khi sự lây lan vẫn tiếp tục.
Virus không giết chúng ta. Lý do tồn tại của nó là lây lan và nó cần chúng ta còn sống để làm tốt nhất điều đó.
Thật vậy, hệ miễn dịch rất phức tạp và các chức năng quan trọng khác được bảo toàn ngay cả khi phải đối mặt với các biến thể virus có thể tránh được các kháng thể trung hòa.
Phản ứng với bệnh tật, hầu hết cơ thể mọi người đều sản sinh ra tế bào T (để kiểm soát bệnh giai đoạn đầu) và các loại kháng thể liên kết khác (nhắm vào các tế bào bị nhiễm bệnh và loại bỏ chúng).
Các tế bào T và kháng thể liên kết này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và ít bị ảnh hưởng bởi các đột biến.
Tuy nhiên, sự lây lan liên tục của các biến thể mới có thể xảy ra ngay cả ở nhóm người đã được tiêm chủng trong nhiều năm tới. Các đột biến mới dẫn tới nhiễm trùng liên tục trong mũi và cổ họng để virus có thể tồn tại.
Virus corona rất phổ biến ở người và hầu như tất cả chúng ta đều từng bị nhiễm chúng trong thời thơ ấu, nhưng chúng ta vẫn bị tái nhiễm và mắc cảm lạnh trong cuộc đời. Đây là một mô hình rất có thể xảy ra trong tương lai đối với đại dịch Covid-19.
Do khả năng đột biến của virus, chúng ta có thể phải tìm cách thích nghi để sống chung với virus khi chúng tiếp tục lây lan trong cộng đồng, gây ra các triệu chứng nhẹ của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và bệnh nặng hơn ở một nhóm nhỏ những người không có miễn dịch.
Nếu tỷ lệ này nhỏ, các hệ thống y tế có thể kiểm soát được, như trường hợp cúm theo mùa. Có lẽ chúng ta cần các loại vắc xin được cập nhật hàng năm để quản lý những thay đổi của virus hoặc khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian.
Nếu sự bảo vệ chống lại bệnh tật nghiêm trọng được duy trì trong tương lai thông qua thế hệ vắc xin hiện tại, chúng ta có thể tránh được áp lực lên hệ thống y tế và thấy khả năng kết thúc đại dịch trong tầm mắt.
Trong khi chúng ta đánh giá tác động thực tế của vắc xin hiện tại, các nhà phát triển đã và đang nghiên cứu vắc xin thế hệ tiếp theo, nhằm mục đích kiểm soát các biến thể mới tốt hơn nếu cần thiết.
Chắc chắn là có lý do để hy vọng, nhưng không phải là lúc để chúng ta trở nên tự mãn.
An Yên (Theo Guardian)
Đầu tháng 3, Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của Anh
Những liều vắc xin đầu tiên của AstraZeneca sẽ về tới Việt Nam vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 để triển khai tiêm diện rộng.