ThS.BS Ngô Văn Bằng, khoa Ngoại chung, BV Nội tiết TƯ cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị Nga, 61 tuổi ở Hải Phòng đến viện khám trong tình trạng bí tiểu nhiều ngày, tiểu ra máu cục, thể trạng yếu, đường huyết tăng cao.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết bị tiểu đường (đái tháo đường) đã 25 năm kèm suy tuyến thượng thận do dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Cách đây khoảng 2 năm, bệnh nhân có đi khám do bị tiểu máu và được chỉ định sử dụng thuốc điều trị. Nhưng từ đó tới nay, bệnh không hề có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng nặng nề hơn. 

{keywords}
Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ, đang tiếp tục được theo dõi tại BV


Đặc biệt, gần 1 tháng nay, bà Nga thường xuyên tiểu ra máu nhiều, thậm chí tiểu có lẫn máu cục kèm đường huyết tăng cao khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

Quá lo lắng, bệnh nhân đã được người nhà đưa đến BV Nội tiết TƯ để thăm khám và điều trị.

BS Bằng cho biết, bệnh nhân tiểu ra máu cục do bị u bàng quang trên nền bệnh đái tháo đường, suy yếu thượng thận và cao huyết áp.

“Trường hợp này chúng tôi chỉ định mổ cấp cứu nếu chậm trễ, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng bí tiểu, bàng quang dồn nhiều máu cục, mất máu và ảnh hưởng tới tính mạng”, BS Bằng thông tin.

Sau khi hội chẩn, ekip bác sĩ quyết định phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi. Với bệnh nhân bị đái tháo đường, việc mổ xẻ cần hết sức hạn chế do các vết thương, vết xước dù rất nhỏ ở nhưng thường lâu liền hơn người bình thường gây nguy cơ nhiễm trùng cao, trường hợp không được chăm sóc tốt có thể bị hoại tử, thậm chí tử vong cao.

Trường hợp bệnh nhân Nga, phương pháp mổ nội soi cắt u bàng quang gặp rất nhiều khó khăn do bệnh nhân có cùng lúc nhiều bệnh lý phức tạp, bàng quang bị viêm nhiễm nặng nề, thể trạng yếu.

“Rất may, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân đã ổn định, qua cơn nguy kịch. Hiện người bệnh tỉnh, tiếp xúc được, không sốt, 2 thận không to. Tuy nhiên, do đường huyết cao nên bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi để phục hồi thể trạng cho hướng điều trị tiếp theo”, BS Bằng chia sẻ.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người bị tiểu đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040.

Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến tiểu đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.

Khoảng trên 80% bệnh nhân tiểu đường tại nước ta tử vong vì các biến chứng tim mạch, kế đó là các biến chứng suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân, biến chứng võng mạc...

Bệnh tiểu đường diễn tiến âm thầm và dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm, tuy nhiên tiểu đường, đặc biệt tiểu đường type 2 hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu áp dụng chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh cũng như thường xuyên khám sức khoẻ, phát hiện sớm bệnh và tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Thúy Hạnh

Căn bệnh người lớn trên 40 tuổi mới mắc, giờ trẻ 9 tuổi đã bị

Căn bệnh người lớn trên 40 tuổi mới mắc, giờ trẻ 9 tuổi đã bị

- 3,5 triệu người Việt mang trong mình căn bệnh mạn tính này. Bệnh đang có xu hướng trẻ hoá rất nhanh, trẻ 9-10 tuổi đã mắc.