Ông Kim Jung Soo, 40 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc từ 2017, hiện là Trưởng phòng sản xuất cho một công ty của Hàn Quốc tại Hải Phòng, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho LG.

Dịp sát Tết Nguyên đán vừa qua, trong lúc đang điều hành sản xuất tại công ty, ông Kim bất ngờ đau đầu dữ dội, gọi hỏi chậm chạp, ý thức dần lơ mơ, được sơ cứu tại BV Việt Tiệp, Hải Phòng.

Các bác sĩ đã tiến hành chụp CT não - mạch não và chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não, xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch cảnh phức tạp… 

{keywords}
Bệnh nhân đột quỵ khoẻ mạnh hoàn toàn sau điều trị đột quỵ. Ảnh: An Ngọc


Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển lên BV TƯ Quân đội 108 điều trị. Lúc này bệnh nhân đã hôn mê sâu, phải thở máy qua nội khí quản, liệt nửa người phải, huyết áp cao kịch phát.

Tình trạng hiện tại cũng như bệnh án được trao đổi ngay qua điện thoại nên ngay khi tới Hà Nội, bệnh nhân được các bác sĩ của trung tâm đột quỵ não, can thiệp mạch, ngoại thần kinh cùng phối hợp cấp cứu, can thiệp đặt nút coil phình mạch.

Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh cũng lên phương án sẵn sàng phẫu thuật nếu có hiện tượng phù não tiến triển, sau đó Trung tâm đột quỵ não sẽ chịu trách nhiệm hồi sức tích cực toàn diện bệnh nhân trước - trong và sau can thiệp.

Với tình trạng xuất huyết dưới nhện cấp tính, ổ máu tụ lớn nhu mô, phình động mạch cảnh 2 bên phức tạp, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có nguy cơ tử vong lên tới 70%.

Bệnh nhân cũng có tiền sử co thắt phế quản và phù nề thanh môn, nên sau phẫu thuật gặp khó khăn khi rút nội khí quản cũng như cai máy thở.

Tuy nhiên nhờ can thiệp mạch kịp thời, nút kín hoàn toàn 2 túi phình lớn, kết hợp chăm sóc hô hấp tích cực, bệnh nhân đã tự thở được, đến nay tình trạng sức khỏe ổn định và đã ra viện, tiếp tục công tác.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng từ 1,7% lên 2,5%, tỉ lệ nam giới mắc gấp 4 lần nữ, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm, trong đó gần 50% số ca đột quỵ sẽ tử vong, 90% để lại di chứng. Như vậy, tỉ lệ tử vong do đột quỵ chỉ đứng sau ung thư (115.000 ca theo số liệu 2018).

Đột quỵ gồm 2 thể diễn biến là nhồi máu não (tắc mạch, chiếm 80-85%) và chảy máu não (vỡ mạch).

GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, khung giờ vàng cho bệnh nhân đột quỵ là trước 4,5 giờ, khi đó bác sĩ có thể dùng thuốc tiêu huyết khối, ở khung 6 giờ, bác sĩ vẫn có thể can thiệp cơ học lấy huyết khối.

Tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ đến kịp khung giờ vàng tại Việt Nam chỉ chiếm 3,5%, tại một số BV lớn như Bạch Mai, tỉ lệ này cũng chỉ ở mức 5-7%, trong khi tỉ lệ này ở các nước phát triển dao động từ 12-17%.

Do đó việc nhận biết sớm những dấu hiệu của đột quỵ và sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân tăng tỉ lệ hồi phục, giảm tử vong. Trong đó đặc biệt lưu ý 3 dấu hiệu:

Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, không giơ được tay, chân, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.

Nếu người bệnh có 3 dấu hiệu cảnh báo trên thì 90% là đột quỵ. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân nằm nghiêng, móc hết đờm dãi, răng giả để tránh bị sặc, trong giai đoạn này tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì vì khi đó uống nước trắng cũng có thể gây sặc vào phổi.

Thúy Hạnh

Khi bị đột quỵ, tuyệt đối không làm những điều sau vì... dễ chết hơn

Khi bị đột quỵ, tuyệt đối không làm những điều sau vì... dễ chết hơn

Do thiếu kiến thức xử trí đột quỵ ban đầu, hầu hết bệnh nhân đến BV khi tình trạng nặng thêm hoặc đã qua giai đoạn vàng.