Theo đó, bệnh nhân H.T.D. (nữ, 49 tuổi, dân tộc H’ Mông, quê Tuyên Quang) nhập viện Đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ trong tình trạng vỡ loét đầu vú và phù tay.
Theo lời kể của bà D., khoảng 1 năm trước, bệnh nhân phát hiện u vú phải nhưng không điều trị tại cơ sở y tế, chỉ đắp thuốc nam trong 6 tháng. Sau đó, u vú không nhỏ đi mà ngày càng to kèm theo da gần núm vú vỡ loét, chảy dịch máu.
Cánh tay phải cùng bên có khối u cũng ngày càng to ra, phù tím, có chỗ nổi bọng nước. Bệnh nhân đau nhiều, không thể làm cũng như đi lại, ăn uống ngày càng kém đi, gầy và sút cân.
Sau khi thực hiện các cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bà D. đã tiến triển ung thư vú giai đoạn cuối di căn hạch nách và xương cánh tay phải. Vùng đắp thuốc nam bị nhiễm trùng có nguy cơ hoại tử, nhiễm khuẩn huyết nếu không được điều trị kịp thời.
Hình ảnh ngực phải sưng to trên phim chụp - Ảnh: BVCC |
“Bệnh nhân đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật. Sau dùng kháng sinh kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, kiểm soát đau, điều trị hóa chất 1 chu kỳ, tình trạng bệnh có thuyên giảm. Hiện bệnh nhân đã ra viện, dự kiến truyền tiếp chu kỳ hóa chất thứ 2”, bác sĩ Hứa Văn Đức, trưởng khoa Ung bướu cho biết
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay chưa có bằng chứng về hiệu quả điều trị của thuốc nam trong ung thư, tuy nhiên có nhiều bệnh nhân tin vào những lời quảng cáo, những chia sẻ trên mạng xã hội mà tự ý sử dụng thuốc nam, từ chối điều trị bằng các phương pháp khoa học.
Hậu quả là bệnh nhân bị chậm điều trị, dẫn đến ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp “không thể cứu vãn”.
Nguyễn Liên
Người đàn ông phát hiện bị ung thư sau tai nạn xe hơi
Với Gari Pettis (người Mỹ), ngày ông đang đi xe đạp thì bị ô tô đâm chính là thời điểm may mắn nhất cuộc đời.