Trong phòng trực, bác sĩ Trần Văn Bắc (Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chăm chú theo dõi tình hình ca bệnh Covid-19.

Ngoài hệ thống camera tổng, chuông cảnh báo kết nối với monitor theo dõi chỉ số của bệnh nhân, hôm nay, bác sĩ có thêm “trợ thủ đắc lực”, là một chú robot đặc biệt.

Nhiệm vụ của robot là quan sát các tổn thương, nhịp thở, mức độ gắng sức, tình trạng suy hô hấp của người bệnh; đồng thời giúp bác sĩ trò chuyện, hỏi thăm tình hình sức khoẻ bệnh nhân.

Bánh xe linh hoạt, hệ thống camera và loa hiện đại giúp chú robot có thể “gõ cửa” từng phòng bệnh, sau đó di chuyển tới các giường bệnh để hỗ trợ công tác theo dõi, điều trị bệnh nhân. Robot không gây tiếng ồn, không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của người bệnh.

“So với hệ thống camera thông thường chỉ có thể theo dõi tổng quan, robot giúp chúng tôi quan sát được cả tình trạng phù, tím tái, thở nhanh của người bệnh từ xa để đưa ra các phản ứng kịp thời”, bác sĩ Bắc thông tin.

{keywords}
Bác sĩ Bắc điều khiển robot

Các bác sĩ điều khiển robot qua điện thoại hoặc máy tính cá nhân. Sau khoảng 5-6 tiếng, khi hết pin, robot tự động tìm tới nguồn sạc trong phòng bệnh để nạp năng lượng.

Bác sĩ Bắc cho biết, chú robot rất có ích cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19,  giúp giảm số lượng chuyên gia y tế trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, hạn chế tối thiểu việc lây nhiễm. Bởi lẽ dù đã được trang bị đồ bảo hộ cá nhân, nhân viên y tế vẫn đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với ca dương tính.

Bên cạnh đó, với các ca cần hội chẩn, ngoài đội ngũ y bác sĩ trực tiếp làm việc trong phòng cách ly, chuyên gia bên ngoài cũng có thể quan sát diễn biến, trao đổi trực tiếp với người bệnh nhờ robot, từ đó đưa ra các yêu cầu can thiệp cần thiết. Điều này giúp việc xử trí, điều trị các ca bệnh được toàn diện hơn.

Robot hiện được Khoa Cấp cứu sử dụng cho các đối tượng bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình. Với các trường hợp phải đặt ống thở máy, bệnh nhân khó giao tiếp, robot vẫn có thể hỗ trợ giám sát, theo dõi tình trạng người bệnh.

“Trợ thủ” này được đánh giá giúp giảm tải công việc cho nhân viên y tế khi một chuyên gia có thể chăm sóc được nhiều bệnh nhân thay vì số ít như trước kia.

{keywords}
Cận cảnh các "trợ thủ đắc lực" giúp bác sĩ điều trị Covid-19 giảm nguy cơ lây nhiễm

Bác sĩ Bắc kể, một chuyện khá vui liên quan đến sự hữu ích của robot Ohmni chính là robot này có thể theo bệnh nhân vào tận cửa… nhà vệ sinh, nơi camera tổng không thể quan sát.

“Chúng tôi có thể nhờ robot đứng trước cửa để gọi bệnh nhân. Nếu họ trả lời tức là bệnh nhân vẫn ổn”, bác sĩ Bắc chia sẻ.

Robot này hiện chưa thể cảnh báo được tình trạng nguy cấp của người bệnh. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ nhờ cậy hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân kết nối với chuông cảnh báo bên ngoài. Khi người bệnh rơi vào tình huống xấu, bác sĩ sẽ được báo động để ứng cứu kịp thời.

Bác sĩ Bắc cho rằng, trong tương lai, những robot tương tự có thể tham gia nhiều hơn vào điều trị, như đặt ống nghe lên người bệnh nhân để thăm khám, hoặc trang bị AI (trí tuệ nhân tạo) để đưa ra phương án điều trị hiệu quả.

“Những sự hỗ trợ của công nghệ giúp bác sĩ đưa ra quyết định đúng đắn nhất, giảm sai số trong y học. Tất nhiên, bác sĩ vẫn cần không ngừng học hỏi để nâng cao khả năng chuyên môn”, bác sĩ Bắc chia sẻ.

Robot hỗ trợ theo dõi, điều trị bệnh nhân Covid-19 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc trao tặng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 26/6, giúp bảo vệ các bác sĩ và điều dưỡng tuyến đầu chống dịch.

Video: Bác sĩ Trần Văn Bắc chia sẻ về sự hữu ích của robot

Nguyễn Liên

Bệnh nhân 368: 'Về Việt Nam, tôi như được sống trở lại'

Bệnh nhân 368: 'Về Việt Nam, tôi như được sống trở lại'

Sáng 16/7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh thêm 3 trường hợp Covid-19, nâng tổng số ca được chữa khỏi trong cả nước lên 356 trường hợp.