Tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh thông tin, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi 14 tháng tuổi. Bé trai này ở nhà có biểu hiện ngủ nhiều, li bì, không chịu chơi. Gia đình cho biết, trẻ đang không điều trị thuốc gì tại nhà.
Tại khoa Bệnh nhiệt đới – tiêu hóa nhi, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, các bác sĩ nhận định, tình trạng trẻ ngủ li bì, không sốt, không nôn, không co giật, đồng tử đều 2 bên, phản xạ ánh sáng tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Vì vậy bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi có dùng thuốc nhóm an thần. Gia đình em cũng chia sẻ, trong nhà có bố của em đang dùng thuốc Levomepromazin tại nhà để điều trị động kinh nhiều năm. Thỉnh thoảng người bố này có làm rơi thuốc ra sàn nhà.
Tuy đã có định hướng về việc bệnh nhi uống nhầm thuốc của bố, các bác sĩ vẫn dùng các phương pháp chuyên môn, loại trừ các bệnh lý cấp tính về thần kinh trung ương để không bị bỏ sót thời gian vàng điều trị, đồng thời tiến hành truyền dịch, nuôi dưỡng tĩnh mạch, lợi tiểu, theo dõi cho trẻ tại khoa.
Sau 2 ngày điều trị, trẻ đã tỉnh táo hoàn toàn, tinh thần nhanh nhẹn, ăn uống tốt trở lại, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh và biến chứng.
Bác sĩ điều trị cho 1 bệnh nhi ở Thái Nguyên uống nhầm dầu hoả trong chai Coca ở Bệnh viện Nhi Trung ương tháng 9/2020 |
Trước đó, vào tháng 8/2021, một cháu bé 4 tuổi ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, Thái Nguyên cũng uống một chai nước màu hồng cam trong tủ lạnh, sau đó em có triệu chứng khó thở, buồn nôn, hôn mê.
Các bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp nặng, tím tái. Các bác sĩ cấp cứu, đặt nội khí quản, bóp bóng, can thiệp máy thở xâm nhập, rửa dạ dày, truyền và tiêm thuốc giải độc cho cháu bé. Hai giờ sau, bé đã cai được máy thở.
Người nhà cho biết, trong gia đình có người thân đang điều trị cai nghiện bằng methadone, thường để thuốc trong tủ lạnh. Bé không phân biệt được nước giải khát và methadone nên đã uống nhầm.
Methadone là chất trong nhóm opioids, được dùng thay thế cho ma túy, đặc biệt là heroin trong chương trình quản lý bệnh nhân cai nghiện. Với người nghiện, uống dung dịch methadone sẽ đỡ lên cơn vật vã. Với người bình thường, uống chất này rất dễ gây ngộ độc kéo dài nhiều ngày, có thể dẫn tới ngừng thở, hôn mê, tử vong. Nhiều trường hợp cứu được nhưng mất não, phải sống thực vật.
Từ các trường hợp này, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo, cơ thể trẻ em còn nhỏ, hệ thần kinh và các bộ phận khác còn đang phát triển, chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc uống nhầm thuốc của người lớn, nhất là thuốc thần kinh có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh rất nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tất cả các loại thuốc người lớn sử dụng được không phải là phù hợp với trẻ em, các loại thuốc đó có thể ảnh hưởng đến trẻ em từ mức độ nhẹ đến nặng. Đặc biệt, khi các em uống nhầm thuốc thần kinh của người lớn có thể gây ra tình trạng hôn mê sâu, thay đổi ý thức, nếu không được phát hiện sớm thì hậu quả rất nặng nề.
Việc trẻ dễ dàng tiếp cận được thuốc và hóa chất đang là vấn đề đáng báo động. Bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới – tiêu hóa nhi, Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh khuyến cáo: “Gia đình cần để thuốc ngoài tầm với của trẻ, không để lẫn chai lọ hóa chất với chai nước uống. Những người sử dụng thuốc thần kinh đều phải được giám sát sử dụng thuốc.
Quản lý các loại thuốc trong nhà, tránh xa tầm tay trẻ em, nên có những tủ riêng, thậm chí phải có khóa. Không để trẻ chơi với vỉ thuốc, lọ thuốc kể cả khi đã hết, tránh việc trẻ coi thuốc trở thành đồ chơi.
Chỉ cần một chút thiếu cẩn trọng, trẻ em có thể sẽ phải đối mặt với tử thần. Để giữ an toàn cho trẻ em, các cha mẹ hãy luôn cẩn thận với bất kỳ loại thuốc, hóa chất cũng như các đồ vật sử dụng trong nhà, đồng thời hướng dẫn cho trẻ nhận biết để tránh xa và biết cách tự bảo vệ bản thân".
Khuyến cáo của Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh |
Tương tự, BS.CK1 Tống Hồ Tứ Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) nhấn mạnh, tất cả các loại thuốc đều phải để xa tầm tay trẻ. Gia đình thường xuyên phải kiểm tra xem thuốc có vương vãi ra sàn nhà hoặc bị thiếu hụt tránh việc trẻ uống nhầm.
Người nhà thấy bé có biểu hiện ngộ độc như nôn ói, lơ mơ, đi loạng choạng… nên cho bé đến bệnh viện. Trước khi vào viện, trường hợp bé khó thở, nôn ói, có nhiều đờm dãi, phụ huynh phải cho con nằm nghiêng, móc đờm dãi ra để thông đường thở. Sau đó chuyển đến cơ sở cấp cứu.
Nếu không phát hiện sớm, trẻ sẽ gặp những triệu chứng phụ của việc dùng quá liều thuốc. Việc tổn thương của trẻ phụ thuộc vào liều lượng, loại thuốc trẻ đã uống và cơ thể đáp ứng của từng người.
“Khi nhà có trẻ nhỏ, phụ huynh phải phòng tránh cẩn thận, tất cả thuốc tránh xa tầm tay trẻ em. Ngoài ra, không chỉ thuốc những dung dịch khác không được đựng trong chai lọ dễ nhầm là nước ngọt, nước giải khát và không được để chung trong tủ lạnh với các loại thực phẩm, nước uống khác vì trẻ không phân biệt được sẽ tự lấy uống, rất nguy hiểm”, BS Tứ Phương nói.
Ngọc Trang
Bé 3 tuổi ăn nhầm thuốc diệt chuột trộn mì tôm
Một gia đình ở Sơn La trộn thuốc diệt chuột với mì tôm để diệt chuột nhưng không may em bé 3 tuổi đã ăn nhầm phần mì tôm này.