Theo Sở Y tế TP.HCM, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP đang diễn biến phức tạp, số ca F0 tính đến 6h ngày 8/7 đã là 8.385 và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Vì vậy, TP đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với trường hợp sẽ có 10.000 - 15.000 ca bệnh.

Sở Y tế cho biết, hiện TP đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu đối với các bệnh nhân nặng và nguy kịch (tương ứng tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng) và các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 có triệu chứng có hoặc không có kèm bệnh lý nền (tương ứng tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 giường.

Để đáp ứng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, TP đã xây dựng 4 bệnh viện dã chiến điều trị, tiếp nhận cách ly ngay các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0. Quy mô các bệnh viện này đòi hỏi phải đủ lớn để chủ động cách ly ngay số lượng lớn các ca F0 mới được phát hiện (tương ứng tầng 1 của hình tháp).

{keywords}
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, quy mô 4.000 giường đã đi vào hoạt động ngày 28/6. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Ngày 28/6, Bệnh viện dã chiến số 1, quy mô 4.000 giường đã đi vào hoạt động.

Ngày 4/7, ngành y tế TP đã đã triển khai thêm bệnh viện dã chiến số 2, quy mô 2.000 giường.

Ngày 7/7, bệnh viện dã chiến số 3, quy mô 3.000 giường và bệnh viện dã chiến số 4, quy mô 3.000 giường bắt đầu đi vào hoạt động.

Theo Sở Y tế, cả 4 bệnh viện trên đều tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có là các Ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia, khu nhà tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc chưa đấu giá.

Hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh TP cùng với hàng nghìn nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đang công tác tại các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành được điều động luân phiên đến công tác tại 4 bệnh viện dã chiến này. Thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần, các y, bác sĩ sẽ lưu trú tại các bệnh viện dã chiến.

Trung tâm Cấp cứu 115 cũng được huy động và chịu trách nhiệm bố trí các kíp cấp cứu và xe cấp cứu thường trực 24/7 tại các bệnh viện dã chiến để kịp thời vận chuyển người bệnh chuyển nặng đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19. Trung tâm này còn được giao nhiệm vụ liên hệ và điều phối xe chuyên dùng phục vụ chống dịch đến các điểm cách ly tạm để vận chuyển người bệnh F0 đến các bệnh viện dã chiến.

Sở Y tế sẽ tạo dựng công cụ dashboard về tình hình sử dụng giường tại các bệnh viện dã chiến và các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện này thường xuyên cập nhật tình hình sử dụng giường lên dashboard. Các trung tâm y tế chịu trách nhiệm theo dõi dashboard để chọn bệnh viện phù hợp và nhanh chóng liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để chuyển người bệnh F0 đến các bệnh viện dã chiến.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch cho biết, hiện nhiều tỉnh thành đã chủ động đăng ký sẵn sàng cử nhân sự tham gia hỗ trợ TP phòng chống dịch. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch điều động 10.000 nhân viên y tế đến hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Tuy nhiên, số lượng nhân sự được điều động sẽ dựa trên nhu cầu thực tế của TP.HCM. Từ đó, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều động phù hợp.

Tú Anh

30 y bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chi viện TP.HCM

30 y bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chi viện TP.HCM

16 cán bộ đầu tiên đã lên đường tới Bệnh viện Công an 30/4 (TP.HCM) nhận nhiệm vụ. Các thành viên còn lại sẽ tiếp tục di chuyển vào Nam trong những ngày tới.