Cần thay đổi thói quen tập luyện ngoài trời vào sáng sớm

Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương cho hay, thói quen trên trong thời tiết lạnh có thể làm tăng các nguy cơ dẫn đến đột quỵ, đặc biệt với người cao tuổi.

Bác sĩ Thắng phân tích, đi bộ, tập thể dục bản chất rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, vào mùa đông, buổi sáng sớm luôn có nhiệt độ rất thấp, nhiều sương.

Ra ngoài vào thời điểm trên có thể khiến cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, đối tượng có sẵn yếu tố nguy cơ (như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…), huyết áp dễ tăng vọt dẫn đến đột quỵ.

Nhất là với người cao tuổi thường đa bệnh lý, sức đề kháng suy giảm, cơ chế điều hòa mạch máu não kém. Khi thay đổi môi trường đột ngột trong thời tiết lạnh giá, nguy cơ đột quỵ càng cao.

“Không chỉ bệnh đột quỵ, ra ngoài tập luyện buổi sớm trong mùa đông còn tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lý đường hô hấp. Người dân bởi vậy nên có sự điều chỉnh thói quen trên”, ông Thắng khuyến cáo.

{keywords}
Nhiều người có thói quen ra ngoài đi bộ, tập thể dục vào buổi sáng sớm - Ảnh: N.Liên

Nam bác sĩ nhấn mạnh, nếu có thói quen vận động buổi sáng, người dân nên tập luyện ngay tại nhà. Việc đi bộ, tập ngoài trời nên diễn ra vào buổi chiều tối. Cường độ luyện tập, các bài tập phù hợp phụ thuộc vào sức khỏe của từng người.

Để có chế độ vận động hợp lý, người dân tốt nhất nên tới bệnh viện khám phục hồi chức năng để được bác sĩ tư vấn.

Bệnh nhân đột quỵ tăng đáng kể trong mùa lạnh

Khoa Cấp cứu - Đột quỵ , Bệnh viện Lão Khoa Trung ương những ngày gần đây tiếp nhận lượng bệnh nhân đột quỵ tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường. Tính trung bình, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.

Bác sĩ Trần Quang Thắng cho hay, thời tiết lạnh không gây nguy hiểm trực tiếp, nhưng lại dễ thúc đẩy các yếu tố nguy cơ của đột quỵ trầm trọng hơn. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, bệnh van tim, suy tim, hút thuốc lá,…

Trong mùa lạnh, các mạch máu có xu hướng co lại, dễ làm huyết áp tăng vọt. Không chỉ tập thể dục buổi sớm, một số người cao tuổi có thói quen thức dậy vào ban đêm hoặc nửa đêm về sáng để đi vệ sinh, khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, rất dễ xảy ra đột quỵ.

Thời tiết lạnh cũng thường làm cho đường máu của các bệnh nhân tiểu đường tăng cao do thói quen ăn nhiều hơn và ít vận động hơn, gây ra biến chứng đột quỵ.

Một số nguyên nhân khác có thể do người bệnh có xu hướng uống nước ít đi trong mùa lạnh, khiến sự lưu thông của mạch máu giảm; hay hút thuốc lá nhiều hơn để làm ấm cơ thể,…

{keywords}
Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương - Ảnh: Đ.Nhâm

Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột.

Ngoài ra, nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục với chế độ phù hợp, uống đủ nước (tốt nhất là 1,5 lít/ngày), ăn đủ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...

Khi có các dấu hiệu sau, là dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đột quỵ, cần nhập viện cấp cứu ngay để được can thiệp kịp thời:

 - Thấy mất thăng bằng;

 - Mắt có thể mờ đi hoặc mất thị lực;

 - Tay chân đột nhiên tê, yếu, liệt 1 bên;

 - Nói lắp bắp hoặc cấm khẩu;

 - Miệng méo, nước dãi chảy ở một bên; khi uống nước hay súc miệng, nước sẽ rơi vãi ở một bên.

Nguyễn Liên

Sai lầm thường gặp khiến nhiều người đau xương khớp khổ sở trong mùa đông

Sai lầm thường gặp khiến nhiều người đau xương khớp khổ sở trong mùa đông

Sau khi tập thể dục buổi sáng, bà Nguyễn Thị Tiến, 79 tuổi, Hà Nội vẫn về nhà và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, đến buổi chiều, bà bỗng xuất hiện cơn đau dữ dội vùng lưng và khớp gối.