TS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại Đầu Cổ, BV Ung Bướu Hà Nội thực hiện phẫu thuật cắt khối u trong miệng khá hiếm gặp cho cô giáo ở Hà Nội.

Bệnh nhân là Đàm Thu Nguyệt, 44 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, chị phiện có khối u trong miệng đã 3 năm nhưng chủ quan không đi khám.

Gần đây, khối u phát triển chiếm đến gần 2/3 vòm miệng gây nuốt vướng, buồn nôn, giọng nói bị ảnh hưởng, chị mới đến BV Ung bướu Hà Nội thăm khám.

Bệnh nhân được chẩn đoán u hỗn hợp tuyến nước bọt phụ. Khối u sinh mạch máu nhiều, nhẵn, to như quả táo, kích thước 3x3,5cm, ngay sát chân răng số 8 bên phải.

{keywords}

Khối u lớn trên xương khẩu cái cứng đã lan rộng vào sàn mũi của bệnh nhân

 

Kết quả chụp CT cho thấy khối u đã ăn mòn xương khẩu cái cứng, lan một phần vào sàn mũi, do đó cần phẫu thuật sớm.

TS Nghĩa cho biết, ca phẫu thuật diễn ra khá phức tạp do phải tạo hình trong khoang miệng hẹp sâu, có cả thở. Khối u xâm lấn vào sàn mũi, động mạch khẩu cái lớn gây chảy máu nhiều, khó cầm máu dù đã sử dụng dao laser.

“Đặc biệt, sau khi khối u được lấy ra toàn bộ đã để lại một khuyết hổng lớn chiếm 2/3 vòm miệng. Chúng tôi phải tạo hình bằng cách cắt toàn bộ lưỡi gà phần khẩu cái mềm tạo vạt che nhằm cầm máu và lấp lỗ hổng để tránh thông miệng, mũi giúp bệnh nhân bị giọng mũi hở”, TS Nghĩa chia sẻ.

Quá trình hậu phẫu sau mổ cho bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn do khoang miệng có nhiều vi khuẩn, nếu không vệ sinh tốt dễ gây ra nhiễm trùng, nước bọt ngấm vào làm tiêu chỉ khâu, dẫn tới bục vết mổ.

May mắn, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, chức năng nói được đảm bảo, ăn không bị sặc, hàm mặt không bị biến dạng.

Theo TS Nghĩa, u tuyến nước bọt thường từ tuyến mang tai chiếm 80-90% và tuyến dưới hàm hầu. Hầu hết u tuyến nước bọt là lành tính.

Tuy nhiên u tuyến nước bọt phụ như tuyến dưới lưỡi, vùng khoang miệng (chiếm khoảng 10%) lại có tỉ lệ ung thư hóa khá cao (chiếm từ 70 đến 80%). Như trường hợp chị Nguyệt, kết quả giải phẫu khối u xác định là ung thư.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính khi bị u tuyến nước bọt. Trong trường hợp khối ung thư di căn xa, bệnh nhân sẽ phải kết hợp xạ trị.

TS Nghĩa khuyến cáo, nếu người bệnh phát hiện có u tuyến nước bọt phụ kích thước hơn 5 mm nên được phẫu thuật và điều trị sớm, tránh các nguy cơ ung thư hóa gây xâm lấn phá hủy xương.

Nếu không được chẩn đoán điều trị kịp thời, khối u ở vùng vòm miệng xâm lấn thường gây chảy máu ồ ạt, xâm lấn mũi miệng rộng, bệnh nhân bị ảnh hưởng đến giọng nói, ăn uống.

Thúy Hạnh

Tưởng bị nhiệt miệng, người đàn ông Hà Nội phải cắt 1 góc má vì ung thư

Tưởng bị nhiệt miệng, người đàn ông Hà Nội phải cắt 1 góc má vì ung thư

- Nhiều tháng liền, ông Tuyến thấy trong miệng có vết loét nhỏ nghĩ là bị nhiệt nên chủ quan, khi đến BV kiểm tra, bác sĩ phát hiện ung thư khoang miệng đã sang giai đoạn 2.