Là người tham gia trong tuyến đầu chống dịch Covid-19, Anthony Ciampa - Phó chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Y tá bang New York (Mỹ) đã kể lại sự khốc liệt trong “cuộc chiến” chống lại Covid-19.
Anthony Ciampa - Phó chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Y tá bang New York (Mỹ)
Tôi là một y tá tại Manhattan, tham gia vào tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tình hình của chúng tôi tại đây đang rất khó khăn khi tất cả phải lao vào “trận chiến” mà không được trang bị đủ “vũ khí” để thắng cuộc chiến này.
Các thiết bị y tế quan trọng đang ngày một thiếu hụt. Với tốc độ lây lan như hiện tại, tới một thời điểm chúng tôi sẽ phải đứng trước quyết định lựa chọn bệnh nhân có khả năng sống sót cao nhất để chữa trị. Chúng tôi không hề muốn phải đưa ra những quyết định như vậy, nhưng số lượng thiết bị y tế tối tân như “máy trợ thở” là giới hạn.
Không những vậy, các vật tư cơ bản như đồ bảo hộ cũng không còn nhiều. Các nhân viên y tế được khuyến cáo tái sử dụng hết mức có thể. Ví dụ, tấm khiên che mặt bình thường chúng tôi sẽ vất đi sau một lần sử dụng, nhưng giờ đây đã được giữ lại, sau đó làm sạch và trang bị cho ca trực tiếp theo.
Trong suốt quãng thời gian 15 năm trong nghề của tôi, chưa bao giờ bản thân tôi và đồng nghiệp bị lâm vào hoàn cảnh khốn khó như vậy.
Điều đáng sợ nhất là trong thời điểm hiện tại vẫn chưa phải đỉnh dịch của thành phố. Một vài tuần tới mọi thứ có thể sẽ khủng khiếp hơn. Nhân viên trong Khoa Hồi sức cấp cứu của chúng tôi đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Họ trở nên mệt mỏi và không đạt được hiệu suất làm việc vốn có.
Chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều dịch bệnh trong quá khứ. Tất cả các lần đó đều có một điểm chung là nhân viên y tế luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối trước nguy cơ phơi nhiễm. Đơn giản vì nếu bác sĩ cũng bị nhiễm bệnh thì sẽ chẳng còn ai chữa trị cho bệnh nhân nữa. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 lần này đã khiến nhiều quy tắc cơ bản bị phá vỡ.
Thông thường, các y tá sau khi tiếp xúc với người bệnh sẽ được đưa đi theo dõi và cách ly. Sau nhiều xét nhiệm để chắc chắn bản thân âm tính, họ được quay lại làm việc.
Covid-19 khiến nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhưng không hề biểu hiện ra bên ngoài. Bản thân tôi và đồng nghiệp cũng không hề biết mình đã tiếp xúc với nguồn bệnh hay chưa. Do đó, chính các nhân viên y tế chúng tôi lại là những người có nguy cơ mắc phải Covid-19 nhiều nhất.
Tôi quen một bác sĩ 40 tuổi bị lây nhiễm từ bệnh nhân. Hiện bác sĩ này đang trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc đối xử với tất cả bệnh nhân như thể họ đã nhiễm bệnh. Khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ luôn sẵn sàng ngay cả khi bác sĩ thăm khám cho một người không hề có triệu chứng ho hay sốt.
Mong muốn lớn nhất bây giờ của chúng tôi là các vật tư y tế được cung ứng nhanh nhất có thể. Chỉ cần đủ các trang thiết bị cần thiết, chúng tôi sẽ chiến đấu với đại dịch này đến cùng.
Tôi cũng rất buồn khi thấy nhiều người dân đang chủ quan trước dịch bệnh. Tình trạng căng thẳng và quá tải trong phòng cấp cứu trái ngược hẳn với cuộc sống bên ngoài. Nhiều nơi các đám đông vẫn tụ tập, không ai đeo khẩu trang hay có biện pháp phòng tránh tối thiểu. Sự thiếu cảnh giác như vậy chỉ khiến mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Trường Giang (Theo New York Post)
Bác sĩ đầu tiên thiệt mạng vì Covid-19 ở Pháp
Pháp có số lượng người nhiễm Covid-19 cao thứ bảy trên thế giới với hơn 14.000 trường hợp xác nhận dương tính với chủng virus này.