Vì sao Nhật cấm, Việt Nam vẫn dùng?

Việc chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su của công ty Masan Việt Nam do chứa chất bảo quản axit benzoic đang khiến người tiêu dùng tại Việt Nam thực sự băn khoăn. Đây là sản phẩm đang được hàng triệu gia đình sử dụng.

Theo tiêu chuẩn của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), acid benzoic (chất phụ gia chống nấm mốc) được phép sử dụng làm chất bảo quản trong các sản phẩm thực phẩm nói chung và tương ớt nói riêng với liều lượng tối đa 1g/kg. Hiện tại, 186 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam đều đang chiếu theo quy chuẩn này.

{keywords}
Tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản

 

Từ quy định của quốc tế, Bộ Y tế cũng xây dựng Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT về quản lý phụ gia thực phẩm, trong đó cũng quy định axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm. Đây cũng là mức tiêu chuẩn được tổ chức Nông lương thế giới FAO quy định (thông qua năm 2011, sửa đổi các năm 2013, 2017).

Trước thắc mắc của dư luận vì sao Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic trong tương ớt, còn Việt Nam vẫn dùng, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía cơ quan quản lý Nhật Bản cũng như cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc tế. Tuy nhiên Cục sẽ chủ động phối hợp với Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) để làm rõ.

Vị này phân tích, trong nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm, mỗi quốc gia sẽ căn cứ theo thói quen, mức độ sử dụng thực phẩm của người dân để đưa ra quy chuẩn. Có thể Nhật Bản có nghiên cứu riêng về các loại thực phẩm hay sử dụng và mức độ sử dụng từ đó đưa ra các quy định cụ thể cho các sản phẩm thực phẩm của quốc gia này.

Trước thông tin cho rằng việc Việt Nam vẫn cho phép sử dụng tương ớt Chin-su là chưa quan tâm đến sức khoẻ người tiêu dùng, vị này phủ nhận, nhấn mạnh người tiêu dùng cần hiểu rõ, các quy định của Việt Nam hiện nay phù hợp với tiêu chuẩn của Codex.

{keywords}
Tiêu chuẩn của Codex với chất phụ gia axit benzoic trong tương ớt là 1g/kg 

 

{keywords}
Tiêu chuẩn về phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế với tương ớt cũng là 1g/kg


“Trong thương mại thế giới, nếu tuân thủ theo Codex thì không cần phải đưa ra bằng chứng khoa học, nếu có sự khác biệt với Codex, quốc gia đó phải đưa ra bằng chứng khoa học. Các tiêu chuẩn của Codex cũng được lấy làm tiêu chuẩn tham chiếu trong các tranh chấp thương mại. Cho nên chúng tôi xin khẳng định, các quy định về phụ gia thực phẩm hiện nay của Việt Nam phù hợp hoàn toàn với các quy định về phụ gia thực phẩm của Codex”, đại diện Cục ATTP nói.

Nói rõ hơn, vị chuyên gia này cho biết, các phụ gia thực phẩm muốn có mặt trong danh mục của Codex phải thông qua Uỷ ban phụ gia thực phẩm của tổ chức này, qua 8 bước đánh giá nghiêm ngặt về độ an toàn, cách sử dụng. Thông thường, một phụ gia được đưa vào danh mục của Codex sau 5-7 năm nghiên cứu, có phụ gia mất 10 năm.

Do đó, người dân cần hết sức bình tĩnh, không nên quá lo lắng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan nhà nước.

Nhật Bản khẳng định, ăn hơn 2 chai/ngày mới quá ngưỡng

Trong bản tin công bố thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su trên trang Osaka city ghi rõ, việc thu hồi lô sản phẩm tương ớt Chin-sun do vi phạm 3 nội dung: Thứ nhất, vi phạm khoản 2, Điều 11 luật Vệ sinh thực phẩm; Thứ 2, sử dụng axit benzoic là phụ gia không được phép có mặt trong tương ớt theo quy định của Nhật; Thứ 3, quy định vi phạm về dán nhãn.

Cũng ngay trong bản tin này, giới chức thành phố Osaka cho biết, Nhật Bản vẫn sử dụng axit benzoic để bảo quản hàng loạt sản phẩm như trứng cá muối (tiêu chuẩn 2,5g/kg), bơ thực vật (1g/kg), nước ngọt, siro, nước tương (1g/kg)...

Theo kết quả kiểm tra của Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo, Nhật Bản, các sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi có hàm lượng axit benzoic từ 0,41 – 0,45g/kg.

Căn cứ theo các biên bản của Hội nghị chuyên gia về phụ gia thực phẩm giữa FAO và WHO (JECFA), cụ thể trong phiên họp lần thứ 80, năm 2015 khẳng định: Lượng axit benzoic tối đa được dung nạp vào cơ thể mỗi ngày là 0,005g/kg thể trọng.

Từ căn cứ trên, phía Nhật Bản khẳng định axit benzoic có trong ương ớt ở mức 0,45g/kg sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, ngay cả khi một người nặng 50kg ăn 0,56kg tương ớt/ngày (tương đương 2,2 chai 250ml) hoặc người 30kg ăn 0,33kg (tương đương 1,3 chai/ngày). Theo tỉ lệ trên, thậm chí trẻ nhỏ 15kg, cũng có thể ăn 170g tương ớt/ngày (tương đương 2/3 chai).

Một số phân tích cho rằng, có thể phía Nhật Bản cẩn trọng do trước đó đã từng có nghiên cứu cho thấy dùng quá liều axit benzoic có thể gây động kinh; axit benzoic kết hợp với axit ascorbic trong ớt có thể tạo thành benzen – một chất có nguy cơ gây ung thư hoặc tính toán đến khả năng 1 ngày người dân Nhật ăn quá nhiều tương ớt, cộng thêm dung nạp nhiều sản phẩm chứa chất bảo quản khác.

Về khả năng cho axit benzoic tương tác với vitamin C trong ớt gây ung thư, một chuyên gia tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ cho biết, vitamin C dễ bị phá hủy bởi nhiệt, tương ớt đã được đun nấu kĩ nên khó có khả năng tạo thành benzen.

Ngoài ra, IPCS INCHEM (công cụ tra cứu về an toàn hoá chất được xây dựng giữa Chương trình quốc tế về an toàn hoá chất và TT an toàn sức khoẻ nghề nghiệp của Canada) cũng viện dẫn nhiều tài liệu cho thấy, axit benzoic được hấp thụ nhanh chóng và bài tiết nhanh chóng và hoàn toàn qua nước tiểu.

Nghiên cứu của tác giả Schanker năm 1957 cho thấy, với 1 người đàn ông khoẻ mạnh, axit benzoic được bài tiết hoàn toàn trong vòng 10- 14 giờ.

Nghiên cứu trên 17 con chó cho sử dụng Axit benzoic với liều 1g/kg thể trọng trong suốt 250 ngày cũng không phát hiện sự bất thường trong tăng trưởng hay sức khoẻ. Tuy nhiên vượt trên mức này, đã ghi nhận các cơn co giật động kinh và chết.

Các nghiên cứu độc tính dài hạn chứng minh rằng, việc sử dụng axit benzoic trong chế độ ăn ở mức 0 - 0,005g/kg thể trọng không gây ra tác dụng độc hại có thể quan sát được, tương tự như nghiên cứu của JECFA.

Thúy Hạnh

Vì sao Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su?

Vì sao Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su?

- Codex cho phép sử dụng acid benzoic trong thực phẩm, tuy nhiên đây chỉ là tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn tại Nhật có thể khắt khe hơn.