Bác sĩ Dương Quốc Bảo công tác tại khu khám, điều trị và cách ly bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19, BV Đống Đa, Hà Nội. Trong suốt những ngày qua, anh Bảo đã cùng với các đồng nghiệp của mình “trực chiến” 24/24 ở bệnh viện để làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị người bệnh.

Ở đó, bác sĩ Bảo chứng kiến và ghi lại rất nhiều câu chuyện đặc biệt về chính những người đồng nghiệp thân thiết với mình.

{keywords}
Bác sĩ Dương Quốc Bảo trong khu cách ly bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

“Tiếng chuông điện thoại reo lên đúng 11h15’. Tên của người chồng hiện lên trên điện thoại. Linh cảm của một người mẹ, người vợ vốn lâu nay vẫn lo lắng cho chồng con khiến cô cảm thấy có điều gì đó không ổn.

Cô lập tức vồ lấy điện thoại trong khi tay vẫn đang cầm chiếc bút và tờ giấy chăm sóc người bệnh còn đang viết dở trên bàn.

"Em ơi, con nó bị làm sao ấy, tự nhiên đau bụng từ sáng đến giờ ...", giọng chồng cô hớt hải ở đầu dây bên kia.

"Anh xem con nó đau bụng ở đâu, có nôn không, có đi ngoài không. 30 phút nữa nếu con còn đau bụng, anh đưa đến bệnh viện, em nhờ các bác sĩ khám cho con..." Sau đúng 2 giây giật mình, cô vẫn bình tĩnh trả lời chồng như vậy.

Chuyện con ốm đau. cô đã khá quen. Đứa con chưa đầy 2 tuổi thi thoảng vẫn hắt hơi sổ mũi. Mỗi lần như vậy cô vẫn ôm con cả đêm và đưa em bé đến viện để nhờ đồng nghiệp khám giúp. Nhưng sao sự việc lại xảy ra vào ngày hôm nay, ngày mà cô không thể rời vị trí để lao về nhà kiểm tra đứa con của mình?

Thời gian trôi qua thật nặng nề, trong khi đồng nghiệp mở những suất cơm đã được chuẩn bị sẵn, cô không tài nào nuốt nổi một miếng, lòng như lửa đốt chỉ mong con mình không tiến triển nặng thêm. Nếu con mình bị viêm ruột thừa, bị lồng ruột,… thì sao?

Bao nhiêu chữ "nếu" hiện ra trong đầu làm cô không yên tâm. Cứ ngơi việc, cô không cầm lòng được lại bấm số để gọi về nhà.

May mắn sau khi được đưa lên viện kiểm tra, con cô đã đỡ, có lẽ chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường. Cô cảm thấy như trút được hàng tấn gánh nặng trong lòng.

Nụ cười lại hiện lên môi, cô thầm cảm ơn trời đất đã không đối xử tệ với mình, vậy là cô có thể yên tâm tiếp tục công việc ngày hôm nay.

"Anh cứ theo dõi con cho kĩ, có gì gọi điện cho em nhé!". Buông điện thoại xuống, cô lại tiếp tục công việc của mình, mặc bộ đồ bảo hộ và đi vào vùng tâm dịch, nơi rất nhiều người đang chờ cô giúp đỡ”.

{keywords}
Lo cho con, nữ điều dưỡng cứ phút chốc lại ngó nghiêng ra cửa sổ

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Quốc Bảo là Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, đơn vị đầu ngành truyền nhiễm ở Hà Nội. Ngay sau khi thủ đô công bố trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 (hôm 7/3), bác sĩ Bảo được huy động vào đội trực chiến của bệnh viện.

Kíp trực gồm có 9 nhân viên y tế, làm việc trong khu cách ly với nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho những người nghi nhiễm Covid-19 - là những người tiếp xúc gần với ca dương tính được phát hiện tại Hà Nội ( F1, F2 ).

Nhân vật chính trong câu chuyện mà bác sĩ Bảo vừa chia sẻ là điều dưỡng trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện, cũng là thành viên đội trực chiến.

“Ngày hôm đó, bạn ấy sốt ruột tới nỗi cả buổi cứ đi ra đi vào, tới bữa cũng không ăn được cơm mà chỉ ngó nghiêng ra cửa sổ. Cũng là một phụ huynh có con nhỏ, tôi hiểu và thấy rất thương đồng nghiệp của mình”, bác sĩ Bảo cho biết.

Để tránh lây nhiễm chéo, những người làm việc ở khu cách ly như bác sĩ Bảo không được ra ngoài và tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả nhân viên khoa phòng khác trong bệnh viện.

Bởi vậy, công việc nhà, con cái, họ chỉ có thể trông cậy vào những người thân trong gia đình.

“Ai cũng có những nỗi niềm riêng. Nhưng chúng tôi phải chấp nhận và nhanh chóng gạt bỏ để tập trung vào công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, bác sĩ Bảo nói.

Trong những ngày làm việc ở khu cách ly, bác sĩ Bảo có thói quen ghi chép lại những mẩu chuyện nhỏ xảy ra quanh mình. Anh Bảo nói, một phần vì muốn lưu giữ chúng như những kỷ niệm, phần vì tâm tư luôn thôi thúc phải viết gì đó để cảm ơn sự hy sinh của những người đồng nghiệp.

Bạn bè anh Bảo trêu, sau đợt này, có khi bác sĩ thêm nghề tay trái là làm “nhà văn”.

Có những câu chuyện, nhỏ nhưng rất “đời”. Như câu chuyện về giấc ngủ vội của một nữ điều dưỡng:

{keywords}
Giấc ngủ vội của nữ điều dưỡng trong khu cách ly 

“Đêm đã về khuya, đồng hồ gần điểm đến 0h. Sau một ngày hăng say với công việc, cô điều dưỡng trẻ tạm ngả chiếc lưng đã mỏi nhừ, đôi chân gần như tê dại. Cô khép hờ đôi mắt trong khi chờ để đón tiếng còi hú quen của xe cấp cứu chở những người nghi nhiễm bệnh đến với mình, để tiếp tục góp phần xoa dịu đi nhưng nỗi lo, nỗi sợ hãi cùng bệnh tật của họ.

Trong cơn mơ vội, có lẽ cô đang hình dung đến ngày mình được trở về với gia đình nhỏ thân thương, nơi có người chồng cô yêu và những đứa con đang nhớ mẹ, cùng bữa cơm gia đình giản dị mà ấm cúng…”

Thời gian đầu khi dịch mới bùng phát tại Hà Nội, bác sĩ Bảo và các đồng nghiệp phải tăng cường độ làm việc lên gấp nhiều lần ngày thường. Số lượng bệnh nhân tăng dần, kèm theo đó là rất nhiều những băn khoăn, lo lắng cần được các y bác sĩ giải đáp.

Kíp nhân viên y tế 9 người của anh Bảo vừa phải làm tốt công tác điều trị, cùng các khoa phòng khác trong bệnh viện lo lắng điều kiện sinh hoạt cho hơn 50 bệnh nhân, vừa phải giải thích, tâm sự để họ bình tâm, hợp tác trong quá trình cách ly.

{keywords}
Bác sĩ Dương Quốc Bảo khám cho bệnh nhân trong khu cách ly

Bác sĩ Bảo nhớ nhất là trường hợp của cặp vợ chồng người Anh, ông bà Butler. Họ là những người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17 nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa để cách ly y tế.

Khi mới vào viện, ông bà Butler rất lo lắng. Việc bất đồng về ngôn ngữ khiến họ chỉ có thể trao đổi với các điều dưỡng, hộ lý bằng những câu giao tiếp đơn giản hoặc qua ngôn ngữ cơ thể.

Là một người có vốn ngoại ngữ khá tốt, bác sĩ Bảo sau đó đã trở thành “tư vấn viên” cho 2 khách nước ngoài, giúp họ tháo bỏ được những áp lực khi phải cách ly.

“Có một số khó khăn do sự khác biệt về văn hóa, thói quen ăn uống, sinh hoạt nên tôi phải tìm hiểu kĩ để giải thích cho họ. Nhưng họ rất thiện chí hợp tác nên mọi thứ đều suôn sẻ”, bác sĩ Bảo cho biết.

Kết thúc thời hạn cách ly, để bày tỏ sự cảm kích với các bác sĩ, ông bà Butler đã để lại một lá thư. Trong thư, họ chia sẻ:

“Trang thiết bị của bệnh viện ở đây rất khác với ở Anh, tuy nhiên chúng tôi đã có tất cả những gì chúng tôi cần. Chúng tôi đã phải khá vất vả vì vấn đề ngôn ngữ cho đến khi tìm được 1 bác sĩ nói được tiếng Anh, người đã giúp chúng tôi rất nhiều và cung cấp đầy đủ thông tin….

Chúng tôi rất hiểu thực tế này, đây là điều cần làm trong hoàn cảnh hiện nay và chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã chăm sóc chúng tôi rất tốt”.

{keywords}
Lá thư cảm ơn của ông bà Butler

Cùng với lá thư của cặp vợ chồng người Anh, có rất nhiều bức thư, lời động viên khác của bệnh nhân cách ly gửi đến các y bác sĩ đã tận tình chăm sóc họ. Bác sĩ Bảo và các đồng nghiệp vẫn giữ gìn cẩn thận, coi chúng như những món quà quý giá nhất.

“Tôi rất mừng và biết ơn vì bệnh nhân đã hiểu, thông cảm cho chúng tôi. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi vững vàng hơn trong trận chiến còn gian nan phía trước và tin vào chiến thắng của chúng ta trước đại dịch này”, bác sĩ Bảo nói.

Nguyễn Liên

Chia sẻ của hành khách Việt trên chuyến bay cuối rời khỏi châu Âu

Chia sẻ của hành khách Việt trên chuyến bay cuối rời khỏi châu Âu

 - “Điều quan trọng nhất không phải là có bị nhiễm Covid -19 hay không, mà là có về được Việt Nam hay không!”