Không để người dân lo lắng quá mức
Cuối giờ sáng nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đến BV Bệnh nhiệt đới trung ương để kiểm tra khả năng đáp ứng với dịch bệnh trong trường hợp dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) xâm nhập vào Việt Nam.
Phó thủ tướng đề nghị các chuyên gia đầu ngành trả lời 2 câu hỏi để người dân biết về tình dịch bệnh đến thời điểm này.
"Người dân hiện quan tâm nhất là bệnh này có lây không? Hiện giới chuyên môn đã chia ra nhiều mức lây lan của dịch, đó là: Không lây từ người sang người; lây từ người sang người nhưng khó lây và hạn chế hay rất dễ lây. Vậy lây từ người sang người hiện đang ở mức nào, cơ chế lây ra sao và biểu hiện, thời gian ủ bệnh thế nào”, Phó thủ tướng đặt câu hỏi.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra khả năng đáp ứng dịch bệnh tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương
Phó thủ tướng nhấn mạnh, cần phải có khuyến nghị với người dân, không để người dân hoảng sợ, lo lắng quá mức.
Trả lời câu hỏi, ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế Dự phòng cho biết đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận virus corona có khả năng lây từ người sang người ở mức độ hạn chế. Hiện chưa có khuyến cáo đặc biệt của WHO về sàng lọc thực phẩm, hạn chế đi lại.
Về cơ chế lây của virus corona, GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, virus corona mới cùng họ với virus gây bệnh SARS (năm 2003) và MERS (2017). Bệnh lây qua đường hô hấp, thông qua giọt bắn khi ho, hắt hơi chứ chưa lây qua không khí như SARS. Trong vòng 2 m, nếu người xung quanh hít phải giọt bắn của người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh
Vì vậy, biện pháp phòng dịch đầu tiên khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt là phải đeo khẩu trang.
Thời gian ủ bệnh viêm phổi cấp do virus corona là từ 7-14 ngày, với các triệu chứng như sốt nhẹ,
Biểu hiện của corona virus nhẹ hơn SARS
Tại Trung Quốc đến nay đã ghi nhận hơn 540 ca nhiễm virus corona, 17 ca tử vong, 15 nhân viên y tế nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, GS Kính khẳng định, biểu hiện của người nhiễm virus corona được đánh giá nhẹ hơn so với SARS, MERS-CoV.
GS Kính dẫn chứng, tỉ lệ tử vong của dịch viêm phổi cấp do virus corona hiện khoảng 3%, trong khi tỉ lệ tử vong của SARS là 16%, và mức 30-36% của dịch MERS-CoV. Tuy nhiên tỉ lệ tử vong còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng và kinh nghiệm điều trị của hệ thống y tế.
Về bệnh cảnh lâm sàng, PGS Kính cho biết, bệnh viêm phổi cấp do virus corona tương tự như SARS, bệnh nhân sẽ bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi và suy đường thở. Khi 2 phổi tổn thương toàn bộ bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi oxy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và sẽ tử vong.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với virus corona, việc điều trị chủ yếu áp dụng các biện pháp tại chỗ như hỗ trợ hệ miễn dịch, điều trị triệu chứng, cách ly tránh lây nhiễm cho người tiếp xúc.
Các chuyên gia đều nhận định, nguy cơ dịch viêm phổi cấp xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, ngoài siết chặt kiểm soát thân nhiệt tại sân bay, cửa khẩu, Bộ Y tế đã yêu cầu toàn bộ hệ thống y tế kích hoạt sẵn các phương án khi có dịch.
Đến nay, các bản hướng dẫn chuyên môn, giám sát, phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp do virus corona đã được chuyển về địa phương, đặc biệt tại những tỉnh có biên giới với Trung Quốc.
Tại BV Nhiệt đới trung ương, cơ sở đầu ngành tiếp nhận, điều trị cách ly các dịch bệnh nguy hiểm hiện đã chuẩn bị 6 phòng cách ly áp lực âm, 100 giường bệnh. BV cũng đã giải toả một phần bệnh nhân đang điều trị sang các BV khác dể dành toàn bộ khoa cấp cứu chuẩn bị cho công tác chống dịch. BV có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cho địa phương.
Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương Phạm Ngọc Thạch cho biết, trong tình huống nghiêm trọng, BV sẽ sử dụng một phần hoặc toàn bộ cơ sở 2 tại Đông Anh để cách ly, điều trị các bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm virus corona.
Ngoài ra, Bộ Y tế có thể điều động trang thiết bị từ các bệnh viện khác đến BV Nhiệt đới trung ương trong trường hợp cần thiết khi chưa trang bị đủ trang thiết bị.
Để chủ động phòng chống dịch, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Cục đã có đủ hướng dẫn cho các đơn vị trong hệ khám, chữa bệnh như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn trong cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời đề nghị các bệnh viện thành lập đội phản ứng nhanh để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới; các địa phương thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ, với sự hỗ trợ của BV Bệnh nhiệt đới trung ương và các bệnh viện tuyến trung ương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu biên giới, đặc biệt từ Trung Quốc.
Khi phát hiện người nghi nhiễm, nhiễm virus corona phải tiến hành cách ly, xét nghiệm, điều trị kịp thời.
“Quan trọng nhất là Bộ Y tế phải chủ động thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh do virus corona ở Việt Nam và trên thế giới. Chính phủ, Bộ Y tế luôn có chỉ đạo sát với các cấp độ cụ thể của dịch và sẵn sàng ứng phó cao hơn mức bình thường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thúy Hạnh
17 người chết, 15 nhân viên y tế nhiễm virus viêm phổi corona
- 17 người chết do virus corona ở Trung Quốc, virus này cũng đã có mặt ở 8 quốc gia và vùng lãnh thổ.