Chuyến bay VN 1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đi Vinh ngày 26/7 vừa qua đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng do nữ hành khách ngồi ghế 18B chảy máu tại vết thương ở ngực, phải nhập viện cấp cứu.
Một số thông tin ban đầu cho rằng nữ hành khách bị vỡ túi ngực, tuy nhiên tối cùng ngày, BV tại Đà Nẵng xác nhận, bệnh nhân bị chảy máu do mới phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực. Nguyên nhân chảy máu có thể do bệnh nhân vận động nhiều hoặc va chạm mạnh.
Nếu mới nâng ngực, nguy cơ chảy máu vẫn xảy ra nếu bệnh nhân không kiêng cữ cẩn thận. Ảnh minh hoạ |
TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, BV Xanh Pôn cho biết, với các trường hợp đặt túi ngực, nếu mới mổ trong vòng 1 tuần hay thậm chí 10 ngày, nguy cơ chảy máu ồ ạt ra ngoài vết mổ vẫn xảy ra, thường do bật các đốt cầm máu ở các mạch máu lớn của tuyến vú hay dưới da.
Trong những trường hợp này, bắt buộc phải cầm máu. Nếu trên máy bay không có người đủ chuyên môn và phương tiện cấp cứu cầm máu, việc phải hạ cánh khẩn cấp là cách xử lý đúng và kịp thời.
Theo TS Dung, thông thường sau khoảng 10 ngày đặt túi ngực, bệnh nhân sẽ được xuất viện. Để hạn chế chảy máu sau nâng ngực, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh kéo nặng, bê vác nặng, thường xuyên làm các động tác giơ tay cao.
Đặc biệt, cần duy trì mặc áo ổn định phom dáng ít nhất trong 3 tuần để giúp bầu ngực ít xê dịch khi di chuyển, giảm nguy cơ chảy máu.
Về lo lắng nguy cơ vỡ túi ngực trên máy bay do áp suất, TS Dung nhấn mạnh, điều này rất khó xảy ra.
Theo TS Dung, áp suất trong khoang hành khách có thay đổi theo độ cao nhưng thông qua các phản xạ nuốt, ngáp và thở, cơ thể sẽ tự cân bằng nên không thể có chuyện áp suất gây vỡ túi ngực.
Nếu thay đổi áp suất đến vỡ túi ngực thì những hành khách trong máy bay cũng bị tổn thương các bộ phận cơ thể.
TS Dung phân tích thêm, hiện vỏ các loại túi độn ngực đều có cấu tạo là chất liệu tổng hợp dẻo, dai và bền, bên trong chứa silicon dạng gel đặc, rất bền với áp suất.
Ngay cả trường hợp bị vỡ, bên trong túi ngực là gel đặc nên rất khó rò ra ồ ạt |
“Bình thường túi độn ngực có thể để ô tô chèn qua mà không vỡ. Nếu không có lỗi kỹ thuật thì túi chỉ vỡ khi có áp lực mạnh do bị vật sắc nhọn đâm thủng trong quá trình thao tác kỹ thuật, do tai nạn, hoặc do thời gian mài mòn ở những chỗ gấp của vỏ túi”, TS Dung thông tin.
Ngoài ra, do bên trong túi ngực là dạng silicone gel nên ngay cả trường hợp bị vỡ, gel sẽ rò ra rất chậm quanh túi chứ không có hiện tượng nổ tung và xé toạc da gây chảy máu như nhiều người tưởng tượng.
Do đó, kể cả túi độn có thủng, vỡ thật cũng không phải là trường hợp tối cấp cứu phải hạ cánh máy bay.
Thúy Hạnh
Ngực người phụ nữ Hà Nội phình to gấp đôi sau tiêm filler
- Sau tiêm filler, ngực chị Hoa phình to lên gấp đôi kèm đau đớn. Khi đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ phát hiện ngực có lỗ dò, chảy rất nhiều mủ.