Ở căn phòng này, có môt cặp đôi được ví là thánh “soi” và thánh “móc” đã giúp cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo có tiền để vượt qua khó khăn tiếp tục điều trị bệnh.

Thánh soi bệnh án để tìm ra hoàn cảnh

Chị Bùi Thị Kim Ngân (38 tuổi, quê Long An), là một cử nhân điều dưỡng công tác ở BV Chợ Rẫy suốt 16 năm, có thâm niên 12 năm là điều dưỡng Khoa Gan - mật - tụy. Chỉ vì yêu cái công việc quan sát, dò la, soi những hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn cần giúp đỡ, chị xin chuyển về Đơn vị Y xã hội được 4 năm. “Lúc đầu, cũng lo lắm chuyển về đây là trái ngành, song với mong mỏi giúp đỡ nhiều người và cũng làm việc trong bệnh viện đã khiến tôi mạnh dạn về với Công tác xã hội Chợ Rẫy”, chị Ngân chia sẻ.

{keywords}

Chị Ngân trong một lần tiếp và trao tặng quà, tiền từ người hảo tâm cho thân nhân bệnh nhân có hoàn cảnh. Ảnh: Phan Nhơn

Ở đơn vị, đồng nghiệp yêu quý đặt cho chị biệt danh là “thánh soi”. Vì, bởi công việc, bệnh nhân cả ngàn người khám chữa bệnh mỗi ngày, làm sao để sàng lọc được đâu là hoàn cảnh cần giúp đỡ, cần giúp bao nhiêu, giúp cái gì, hoàn cảnh hiện tại cũng như trước lúc nhập viện thế nào. Do có chuyên môn sâu, chị có thể biết nhanh, đánh giá tình trạng bệnh nhân, tham khảo các bác sĩ đang điều trị và dự kiến được kinh phí. Khi đó, chị sẽ tổng hợp làm tờ trình để lên phương án kêu gọi giúp đỡ cho bệnh nhân

“Khi Y học còn khả năng cứu chữa thì đơn vị sẽ hỗ trợ bệnh nhân để họ không bỏ cuộc chỉ vì thiếu tiền”, đây là phương châm làm việc mà tất cả nhân viên đơn vị này đặt lên hàng đầu.

Mùng 7 Tết Kỷ Hợi, ngày làm việc đầu tiên sau kì nghỉ Tết dài, một tờ trình về trường hợp bệnh nhi thiếu niên mắc viêm cơ tim có hoàn cảnh khó khăn nằm trên bàn. Giữa chồng hồ sơ dày, chị Ngân đã soi ra ca này cần phải giúp đỡ gấp và phương án phải xin ít nhất 100 triệu mới hi vọng cứu sống bệnh nhân.

“Cậu bé còn quá trẻ, không may mắc viêm cơ tim, muốn sống phải gắn cái máy ECMO (máy tuần hoàn tim, phổi), mất ít nhất 100 triệu/ ngày. Trong khi cả gia đình chỉ có 350 ngàn ăn tết, chỉ đọc tờ trình xong là tôi không thể chậm trễ được”, chị Ngân kể lại.

{keywords}

Người nữ có biệt danh thánh “soi” ở đơn vị Công tác xã hội Chợ Rẫy thường xuyên lắng nghe sàng lọc những hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn để đề xuất kêu gọi sự giúp đỡ. Ảnh: Hiển Lê

Thông tin, hồ sơ bệnh án, kế hoạch điều trị cho bệnh nhân đã lên tỉ mỉ, kể cả phương án dự trù kinh phí cho những tình huống xấu nhất nếu điều trị kéo dài. Lúc bấy giờ, những dữ liệu này sẽ chuyển sang cho một người với biệt danh là thánh “móc” ví nhà hảo tâm. Chỉ sau 2 ngày,  bằng phương pháp kêu gọi gửi đến báo, đài cũng như kêu gọi từ nhiều nguồn đã có hơn 120 triệu cho cậu thiếu niên chữa trị.

Khó nhất khi nói lời từ chối

Chị Đỗ Thị Thanh Lan (35 tuổi, quê Lâm Đồng), một cử nhân ngành Công tác xã hội thực thụ, hơn 10 năm trước cơ duyên đưa chị đến với đơn vị từ một dự án hợp tác của tổ chức Jica (Nhật Bản). Sau kết thúc chương trình hợp tác với bệnh viện, chị Lan về đầu quân cho Đơn vị Y xã hội, tên gọi lúc đầu của Phòng công tác xã hội Chợ Rẫy.

Chị Lan được mệnh danh là thánh “móc” vì có tài thuyết phục nhà hảo tâm móc hầu bao giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo. Công việc của chị là phải thuyết phục, chứng minh với đối tác rằng những cơ sở dữ liệu chị Ngân, soi lọc là minh bạch và họ đáng được giúp đỡ.

{keywords}

Chị Lan, người có biệt danh thánh “móc” là người có khả năng thuyết phục, vận động nhà hảo tâm ủng hộ quyên góp tiền bạc hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Ảnh: Hiển Lê

“Gặp nhiều người đến bệnh viện ủng hộ tất nhiên họ phải biết họ đang giúp đỡ cho ai. Nếu cơ sở thông tin cung cấp mà không minh bạch, làm lay động lòng trắc ẩn nhà hảo tâm thì làm sao móc được ví họ. Với tôi những ca càng khó càng thú vị, vì thường những ca khó lại được nhiều tiền cho bệnh nhân nghèo khi họ hiểu thông suốt những gì mình đang làm”, chị Lan cho hay.

Chị Lan còn chia sẻ luôn những mối ruột khi có những trường hợp khẩn cấp cần huy động số tiền lớn, gấp để cứu chữa cho những ca ngặt nghèo. Với chị, cái khó không phải thuyết phục, xin tiền từ nhiều nguồn mà chính là biết từ chối.

“Đôi khi nhìn bệnh nhân nghèo khổ thiệt, song cũng lực bất tòng tâm. Vì có những ca tự tử, hoặc do mâu thuẫn dẫn đến thương tích đáng thương tâm thì làm sao mình nói dối hoàn cảnh của bệnh nhân để lấy tiền ủng hộ từ nhà hảo tâm. Trong khi thân nhân lại gõ cửa phòng cầu viện. Thực sự tình huống thế này rất khó”, chị Lan bộc bạch.

Ở đơn vị, chị Lan và chị Ngân được xem là cặp đôi như hình với bóng. Vì sự phối hợp nhịp nhàng của hai chị đã góp công lớn trong thành tích của đơn vị năm 2018.

{keywords}

Chị Lan đẫ góp công lớn trong thành tích đơn vị suốt những năm qua kể từ khi đơn vị Y xã hội và nay là phòng Công tác xã hội Chợ Rẫy.

Năm 2018, Phòng công tác xã hội Chợ Rẫy đã kết nối với 1.027 nhà hảo tâm giúp đỡ cho gần 2.000 lượt người bệnh, với tổng số tiền lên đến 14,6 tỷ đồng. Trung bình mỗi tuần đơn vị tiếp nhận 30 tờ trình từ các khoa xin giúp đỡ viện phí cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Từ đây, nhiều số phận khốn khó, nghiệt ngã tưởng chừng đầu hàng trước bệnh tật, bởi gia đình không còn khả năng lo viện phí đã được các nhà hảo tâm dang tay.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH Chợ Rẫy chia sẻ: “Cặp đôi Ngân, Lan làm việc ăn ý nhất phòng từ trước đến giờ, thành tích các bạn ấy đã góp phần lớn trong thành tích huy động hơn 14,6 tỷ đồng  tiền ủng hộ cho bệnh nhân nghèo. Từ lúc, đơn vị thành lập hai cô gái này làm việc có chuyên môn, có tâm và có thâm niên lâu ở đơn vị. Hai cô gái làm việc nhịp nhàng, choàng gánh cho nhau nên tôi không thể nào cho hai cô nghỉ phép quá nửa ngày. Vì công việc sẽ giảm năng suất ngay, với lại sẽ chậm trễ đồng nghĩa một ai đó mất đi cơ hội được giúp đỡ”.

Phan Nhơn

Cậu bé 7 tháng tuổi đánh bại khối u ác tính và lời nhắn nhủ của người mẹ

Cậu bé 7 tháng tuổi đánh bại khối u ác tính và lời nhắn nhủ của người mẹ

Một cậu bé ở Ohio đã bất chấp tỷ lệ sống rất thấp để vượt qua căn bệnh ung thư quái ác cực kỳ hiếm gặp trên thế giới.