Cô bé Denise Saldate, 11 tuổi, đến từ West Covina, California, đang đánh răng trong phòng tắm bỗng nhiên òa khóc lao ra ngoài và nói với mẹ rằng mình không thể thở được. Mẹ của cô bé - Monique Altamirano lúc này rất hốt hoảng khi nhìn thấy đôi môi con gái dần chuyển sang màu xanh tím.
Cô nhanh chóng nhận ra con gái đang bị sốc phản vệ nghiêm trọng và hốt hoảng gọi xe cứu thương. Khi đến bệnh viện, tình trạng của Denise hết sức nguy kịch, huyết áp giảm trầm trọng, nổi mề đay, mạch yếu, nôn và cổ họng sưng.
Chân dung cô bé Denise xấu số bị sốc phản vệ vì dị ứng với thành phần trong kem đánh răng trước khi qua đời.
Bác sĩ đã tiêm cho bé epinephrine - một loại thuốc làm giãn mạch máu để đưa huyết áp trở lại và thư giãn các cơ của đường thở để bé có thể hô hấp bình thường. Nhưng dù được tận tình cứu chữa, bé gái xấu số vẫn không qua khỏi và tử vong.
Được biết trước đó, Monique đã đưa con gái đến phòng khám nha sĩ vì men răng của cô bé có vấn đề. Tại đây, nha sĩ đã kê đơn một loại kem đánh răng có thuốc giúp củng cố men răng.
Bác sĩ đã phân tích các thành phần có trong kem đánh răng mà Denise sử dụng để tìm ra nguyên nhân bé sốc phản vệ. Kết quả cho thấy trong đó có chứa sữa bò - thứ mà bé dị ứng từ nhỏ.
Monique rất ngạc nhiên vì cô rất cẩn thận trong việc lựa chọn những sản phẩm cho con gái mình sử dụng. Cô đọc các thành phần trên tuýp kem đánh răng nhưng không thấy có thành phần sữa. Bác sĩ giải thích sữa bò là thành phần trích xuất của protein Recaldent nên không xuất hiện trong bảng thành phần chính.
Kem đánh răng mà Denise sử dụng có chứa protein Recaldent trích xuất từ sữa bò - thứ mà cô bé dị ứng từ nhỏ.
Qua trường hợp đáng tiếc này, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân dị ứng cần phải cẩn thận tìm hiểu thành phần chính lẫn phụ trong các sản phẩm trước khi sử dụng, đồng thời các nha sĩ và bác sĩ phải hỏi bệnh nhân về tiền sử dị ứng trước khi kê thuốc.
Sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà cả người lớn nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho không chỉ người nhà bệnh nhân mà còn cho cả các y bác sĩ điều trị.
Bệnh xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc sau 30 phút dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Nếu triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao.
Phòng tránh bị sốc phản vệ
Nếu bạn có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi được đơn thuốc vì những người như bạn sẽ rất dễ bị dị ứng khi dùng thuốc. Hãy luôn mang theo bên mình các loại thuốc giải dị ứng.
Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc do ăn uống những đồ có chất lạ.
Cách xử lý khi bị sốc phản vệ?
- Đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu.
- Nới lỏng quần áo và đắp chăn.
- Nếu người bệnh bị nôn hay chảy máu từ miệng, hãy lật người bệnh nằm nghiêng để tránh sặc.
- Nếu bệnh nhân ngưng thở hãy bắt đầu hồi sức tim phổi bằng ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân.
- Tiêm adrenalin cho người bệnh. Tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào việc sử dụng sớm và đủ liều.
An An (Dịch theo Mirror)
Bé gái 9 tuổi tử vong ngay sau khi ăn kem lạnh
Sau khi ăn hết que kem, Habiba có dấu hiệu dị ứng và sốc phản vệ nghiêm trọng. Dù được cấp cứu gấp nhưng cô bé 9 tuổi không qua khỏi.