Tiếng sáo vang lên lảnh lót giữa những gian phòng bệnh của Khoa Nội, Bệnh viện K.
Người hiếu kì tìm tới nơi phát ra âm thanh ngày càng nhiều.
Trong góc phòng bệnh, một người đàn ông đứng tuổi với mái đầu nhiều mảng trống huơ hoác sau những đợt xạ trị đang ngân nga tiếng sáo. Trông ông yêu đời đến lạ.
Tiết mục kết thúc. Người xem cười sảng khoái, từng đôi bàn tay đầy những ống truyền dịch loằng ngoằng vỗ vào nhau thích thú.
Giữa không gian bệnh viện tưởng như chỉ có lắng lo, đau đớn này, nhiều người vẫn có những giờ phút thật vui như thế - những khi được xem ông Trường thổi sáo.
Ông Trần Đức Trường có một niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc, đặc biệt là sáo - Ảnh: Nguyễn Liên |
Trước khi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, ông Trần Đức Trường (61 tuổi, Tân Dân, Chí Linh, Hải Dương) là một cây văn nghệ có tiếng ở địa phương. Bất cứ sự kiện lớn nhỏ nào ở quê, từ đám cưới, hội họp tới những buổi tổng kết lớn, ông Trường đều được mời tới biểu diễn. Ông có rất nhiều năng khiếu, hát hò, đánh đàn, thổi sáo đều rất hay.
Ông Trường thích nhất là thổi sáo. Ông kể, ngày 8 tuổi, thấy người ta chơi sáo, ông bèn mượn về và tự tập trên lưng trâu. Vừa chăn trâu vừa tự học các nốt nhạc, nhưng chỉ tới ngày thứ hai, ông đã thổi được 1 bài. Tới 1 tuần, ông tập thành thục được 3 bài, trước sự ngạc nhiên của nhiều người.
Làm nghề lái xe hơn 40 năm, trên suốt các cung đường di chuyển, ông Trường luôn có cây sáo, cây đàn ghi ta bên cạnh. Cứ rảnh rỗi, ông lại lôi nhạc cụ ra để giải khuây. “Niềm yêu văn nghệ cứ như ngấm vào máu tôi vậy. Thiếu đàn sáo, tôi thấy trống trải lắm”, ông Trường bảo.
Tháng 9 năm 2018, ông Trường nhận kết luận mắc ung thư phổi trái giai đoạn cuối, khối u di căn lên thận, tụy và thanh quản. Từ ngày ấy, cuộc sống của ông gần như gắn với bệnh viện. Cách 12 tới 14 ngày, ông lại phải lên viện xạ trị hoặc truyền hóa chất 1 lần, mỗi lần từ 2 đến 8 ngày.
Nhớ sáo, ông đem theo một cây để thỉnh thoảng mang ra ngân nga. Cứ lúc nào rảnh rỗi hay có bệnh nhân yêu cầu, ông Trường lại trổ tài thổi sáo. Ông có thể biểu diễn rất nhiều bài, tùy theo yêu cầu của mọi người.
Bệnh nhân thích thú khi được xem ông Trường thổi sáo - Ảnh: Nguyễn Liên |
“Người đến từ Hải Phòng thì có bài Thành phố hoa phượng đỏ, Bến cảng quê hương tôi, quê Thái Bình thì có bài Nắng ấm quê hương, Hát về cây lúa hôm nay hay bệnh nhân ở Quảng Ninh thì tôi thổi bài Tình ca người thợ mỏ, Gửi em chiếc nón bài thơ,...”, Ông Trường vui vẻ liệt kê.
Bị bệnh phổi lại thêm khối u chèn vào thanh quản, cột hơi yếu nên ông Trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc thổi sáo. Thế nhưng, niềm vui khi được chơi thứ nhạc cụ mình yêu đã khiến người đàn ông 61 tuổi quên đi cả mệt nhoài.
“Mỗi lần chỉ thổi được vài phút rồi lại phải ngồi nghỉ mệt. Nhưng được chơi sáo, tôi thấy vui và lạc quan hơn hẳn. Nhìn những bệnh nhân khác thích thú khi nghe tiếng sáo của mình, tôi cũng vui thêm nữa.”, ông Trường bảo.
Kì thực, tiếng sáo của ông Trường được rất nhiều người yêu thích. Người ta quây quần xung quanh phòng bệnh để nghe ông thổi sáo. Nhiều người còn lấy điện thoại ghi lại những phần biểu diễn của ông.
“Bệnh nhân ung thư chúng tôi luôn tự tìm những niềm vui nho nhỏ như thế để có thêm động lực sống. Nhìn ông Trường như vậy, tôi cũng thấy mình cần vui vẻ, lạc quan hơn để vượt qua khó khăn này.”, ông Trần Văn Tình (Thanh Miện, Hải Dương) chia sẻ.
Tiếng sáo của ông Trường như góp thêm niềm vui, động lực sống cho những bệnh nhân giống ông
Thương vợ và các con vất vả, 1 năm qua, ông Trường gần như chỉ một mình lên viện điều trị nếu sức khỏe cho phép. Cây sáo nhỏ trở thành người bạn đồng hành lớn của ông mỗi lúc thấy trống trải, cô đơn.
Ông Trường chưa bao giờ cho phép mình bi quan trước số phận. Có lẽ cũng chính bởi thế, tiếng sáo của ông mới có thể truyền nhiều niềm vui, động lực cho mọi người tới như vậy.
“Ở đời, có sống, có chết là chuyện đương nhiên. Tôi sẽ luôn vui vẻ, lạc quan như thế, tới tận giờ phút cuối cùng”, ông Trường mỉm cười.
Nguyễn Liên
Câu chuyện phía sau những bức tường loang lổ ở bệnh viện E
- Bức tường loang lổ với những dòng chữ lộn xộn, nguệch ngoạc là bao tâm tư, niềm hi vọng của những gia đình có người thân trong phòng mổ.