Trước ý kiến của dư luận cho rằng, năm học mới sắp bắt đầu nhưng Bộ Y tế chậm trễ đưa ra quy chuẩn sữa học đường, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế được Chính phủ giao xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường chứ không phải ban hành quy chuẩn.
Hiện trên thế giới cũng không có quy chuẩn sữa tươi. Việt Nam đã ban hành kĩ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT).
Hiện đã có 15 tỉnh triển khai Chương trình sữa học đường nhưng Bộ Y tế chưa chốt quy định bổ sung bao nhiêu vi chất và hàm lượng từng vi chất vào sữa. Ảnh: Tiền phong |
Ông Vinh nói thêm, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt chương trình sữa học đường (QĐ 1340/QĐ-Ttg ngày 8/7/2016), ngày 28/9/2016, BYT cũng đã ban hành Quyết định 5450, quy định tạm thời đối với sản phẫm sữa tươi trong chương trình sữa học đường.
Tuy nhiên trong Quyết định 5450 chưa quy định rõ cần bổ sung bao nhiêu vi chất và hàm lượng từng vi chất là bao nhiêu mà chỉ giao Viện Dinh dưỡng quốc gia chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan nghiên cứu rồi đề xuất để bổ sung phù hợp với từng nhóm đối tượng mẫu giáo, tiểu học.
Theo ông Vinh, đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, như tranh cãi nên bổ sung 3, 18 hay 21 vi chất nên Bộ Y tế chưa có quyết định cuối cùng.
“Việc bổ sung vi chất vào sữa cần phải có căn cứ khoa học, có tính khả thi và phải phù hợp với quốc tế. Chúng tôi cũng đang lấy ý kiến doanh nghiệp, các nhà khoa học để tạo sự đồng thuận cao nhất. Khi còn quá nhiều ý kiến khác nhau, quyết định cuối cùng sẽ do cơ quan quản lý nhà nước”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, để cải thiện tầm vóc, không chỉ có chương trình sữa học đường mà còn rất nhiều chương trình can thiệp khác từ Bộ Giáo dục như dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể dục...
Bộ Y tế cho rằng, sữa học đường là chương trình rất có hiệu quả cả về an sinh xã hội cũng như cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Thực tiễn triển khai Chương trình sữa học đường ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sau 5 năm triển khai đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em (Trung Quốc tăng 2 cm, Thái Lan tăng 5 cm).
Tại Việt Nam, qua 5 năm triển khai Chương trình sữa học đường tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tỉ lệ trẻ thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%; đặc biệt trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%.
Theo Quyết định 1340 của Thủ tướng, đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình sữa học đường và con số này ở thành thị và nông thôn là 70%.
Tại Hà Nội, Chương trình sữa học đường đã triển khai từ 2/1/2019 với gần 90% học sinh mầm non và tiểu học tham gia. Sữa học đường tại Hà Nội là loại sữa được bổ sung 14 vi chất và có hạn sử dụng là 8 tháng.
Năm học 2019-2020, các trường ở Hà Nội bắt đầu cho trẻ uống sữa từ ngày 6/9/2019 đến 29/5/2020. Dự kiến có khoảng 1,2 triệu trẻ thuộc diện được thụ hưởng từ chương trình. Tổng kinh phí thực hiện là gần 4.000 tỷ đồng.
Mỗi hộp sữa được doanh nghiệp hỗ trợ 53% giá, gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách được hỗ trợ 100% kinh phí.
Thúy Hạnh
Hành trình nghẹt thở cứu con 5 tháng từ cõi chết vì sốc phản vệ khi uống sữa bột
- Sau uống sữa bột, bé gái bắt đầu nổi mẩn đỏ, hơn 1 tiếng sau nôn ra sữa, tím tái chân và tay, được xác định sốc phản vệ do uống sữa.