Theo đó, Omicron đã phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP HCM, thay thế dần biến thể Delta.
Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, trong đó biến thể phụ BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện (biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%).
Biến thể BA.2 còn được gọi là “Omicron tàng hình” đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.
Tại TP.HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen. Tuy nhiên, do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%).
Đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 4 triệu ca mắc Covid-19. Trong đó, hơn 2,5 triệu người đã khỏi bệnh và hơn 40.600 ca tử vong.
Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2 so với tháng 1: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3%, tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8%, tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5%, tăng 2 lần so với tháng trước.
Bộ Y tế thông tin, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca.
Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1/2022 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%). Số trường hợp nặng, nguy kịch tăng 37,6% so với tháng trước, số tử vong là trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 - Hình minh họa |
Kể từ khi triển khai thí điểm mở lại các đường bay quốc tế (từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 14/2/2022), cả nước ghi nhận hơn 800.000 ca mắc, trong đó hơn 500.000 ca cộng đồng.
Bộ Y tế nhận định, thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, nhất là khi Việt Nam nới nỏng cách ly y tế, giảm hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết số ca mắc mới tăng cao hiện nay do nhiều nguyên nhân như tốc độ lây lan của chủng Omicron gấp 5 lần chủng ban đầu và gấp 2 lần chủng Delta. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nêu ra việc người dân đang có tâm lý chủ quan khiến số lượng F0 tăng cao.
Về dự báo kịch bản dịch bệnh trong thời gian tới sẽ ra sao, Thứ trưởng Tuyên thông tin, trong báo cáo ngày 14/2, WHO đã nhận định thời điểm này còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh cúm mùa. Tổ chức Y tế thế giới cho biết biến chủng Omicron đang lây lan rất nhanh nên trong năm 2022, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.
Quỳnh Anh
Lý do tình trạng tái nhiễm Covid-19 gia tăng
Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 tăng lên nhiều lần khi biến thể Omicron xuất hiện.