Sáng 1/6, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, TP.HCM có điểm bùng phát dịch mới tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, với 211 ca dương tính với nCoV. Đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại thành phố.

Liên quan đến hội thánh này, Bộ trưởng Long cho biết, trường hợp đầu tiên có triệu chứng từ ngày 13/5, đến khi được phát hiện đã quá 13, 14 ngày. Trong khi đó, với chủng virus này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, có thể 2-3 ngày hoặc sớm hơn. 

Bộ trưởng đánh giá, dịch tại TP.HCM có thể trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm và việc lây nhiễm này diễn ra theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm. 

{keywords}
Cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 sáng ngày 1/6. Ảnh: H.M.

"Thời gian này, ngoài ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, TP.HCM có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây khác. Nguyên nhân do virus có thể lây nhanh trong môi trường không khí.

Tới đây, thành phố sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh chứ không dừng lại con số 208 như Bộ Y tế đã công bố. Nguyên nhân là sự lây nhiễm lan rộng tại các tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp. TP.HCM cần xác định sự nguy hiểm tại ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và có biện pháp quyết liệt hơn", ông Long nhấn mạnh.

Do nhiều bệnh nhân có dấu hiệu bệnh ban đầu mờ nhạt, vì vậy, Bộ trưởng Long yêu cầu TP.HCM cần tăng tốc, mở rộng xét nghiệm hơn nữa.

"Tôi đề nghị toàn bộ người có biểu hiện sốt, ho, khó thở đều phải được xét nghiệm. Đơn vị nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Với cơ sở phòng khám, y tế tư nhân, nhà thuốc, bệnh viện cần phối hợp xác định người có biểu hiện sốt, khó thở, ho cần xét nghiệm nhanh kháng nguyên. TP.HCM áp dụng triển khai thí điểm biện pháp này", ông Long nói.

Bộ trưởng Y tế cho rằng, TP.HCM có công suất xét nghiệm cao, nhưng không thể xét nghiệm được cho hàng triệu người cùng lúc. Do đó, thành phố cần ưu tiên khu vực nguy cơ cao, người có nguy cơ mới sử dụng phương pháp RT-PCR.

Nên áp dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 để sàng lọc, rà soát nguy cơ ngẫu nhiên. Dĩ nhiên, độ chính xác tuyệt đối là chưa thể nhưng 'thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót'.

{keywords}
Nhân viên y tế TP.HCM đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Thanh Tùng.

Về điều trị, Bộ trưởng cho rằng, TP.HCM cần lên phương án kỹ lưỡng, tập trung vào khu vực điều trị Hồi sức tích cực (ICU), chuẩn bị phương án giường ICU cho tình huống nhiều bệnh nhân nặng.

Về vắc xin, theo Bộ trưởng Y tế vấn đề hiện tại của nước ta không phải là kinh phí mà là về số lượng. TP.HCM đã có văn bản đề nghị nhập khẩu vắc xin. Bộ Y tế đã có phản hồi và đảm bảo có lượng vắc xin lớn nhất cho TP.HCM.

Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế cho rằng, hiện nguy cơ dịch xâm nhập khu công nghiệp tại TP.HCM rất lớn. Bởi, có nhiều hội viên của hội thánh làm việc tại đây. Mấy ngày qua, thành phố cũng đã ghi nhận các ca bệnh ở ba khu công nghiệp ở các quận, huyện.

"Với tòa nhà, trường học, hàng quán... chúng ta có thể thực hiện ngay việc giãn cách nhưng khu công nghiệp thì không. Đây là môi trường khép kín, có rất nhiều người làm việc. Chúng tôi cho rằng, thành phố đã rất sáng suốt khi đưa ra quyết định giãn cách xã hội nhưng cần tập trung cao độ, nghiêm ngặt, đề phòng lây nhiễm trong khu công nghiệp", ông Long nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Long, thời gian qua, TP.HCM đã có những quyết định đúng đắn, kịp thời trong việc phòng chống dịch. Tuy nhiên, hiện dịch tại thành phố đã trải qua 4-5 chu kỳ, vì vậy, Bộ trưởng đề nghị, thành phố cần phối hợp ngành công an trong quá trình truy vết những người liên quan ca nhiễm.

Tú Anh

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Sẽ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng ở quận Gò Vấp

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Sẽ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng ở quận Gò Vấp

Khi xét nghiệm 4 phường tại quận Gò Vấp, TP.HCM đã phát hiện có 5-10 ca nhiễm chỉ trong 2-3 khu phố. Tới đây, thành phố sẽ mở rộng xét nghiệm 10/16 phường có ca nhiễm tại quận này.