‘Chạy đua’ trước phút Giao thừa

“Lọc máu cũng có liều như thuốc – tất cả đều phải tuân thủ về thời gian”, TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.

Theo TS.BS Dũng, bình thường bệnh nhân phải lọc 3 buổi/tuần, cắt 1 buổi cũng gây nguy hiểm, bệnh nhân có thể phải cấp cứu. Vì vậy, lễ Tết các y bác sĩ ở đâu không được nghỉ, có năm ngày mùng 1 Tết vẫn làm việc, từ 6h30 sáng.

Cũng theo TS.BS Dũng, cận Tết, nỗi lo lắng của y bác sĩ càng tăng cao bởi dịch bệnh căng thẳng, bệnh nhân về quê có nhiều nguy cơ nhiễm dịch. Ngoài ra, tại một số địa phương quy định phòng chống dịch phức tạp, có thể làm chậm lịch lọc máu của bệnh nhân.

{keywords}
TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra tình hình của một bệnh nhân chạy thận

Ở đây, các bệnh nhân đều điều trị ngoại trú. Sau 4 tiếng lọc máu, họ lại trở về nhà hoặc phòng trọ. “Năm nay, trước tình hình dịch căng thẳng, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân không nên về quê. Ở lại Hà Nội, chúng tôi vẫn đảm bảo họ có thời gian để đón Tết truyền thống”, TS.BS Dũng nói.

Theo đó, các y bác sĩ sẽ bố trí, đẩy lịch chạy thận cho bệnh nhân lên trước 1 ngày. Bệnh nhân có lịch lọc máu ngày 29 Tết  (thứ 2) sẽ ‘chạy’ vào ngày 28 Tết (Chủ nhật) và kết thúc vào 21h đêm. Bệnh nhân chạy thận ngày mùng 1 Tết sẽ bắt đầu vào 22h đêm nối ca với ngày 28 và kết thúc vào khoảng 10h ngày 29 Tết. Với lịch lọc máu như vậy, các bệnh nhân và nhân viên vất vả hơn nhưng mọi người sẽ  được đón giao thừa ở nhà và nghỉ ngày mùng 1 Tết, không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân. Vào sáng mùng 2 Tết, bắt đầu từ 6h30, các y bác sĩ và bệnh nhân lại bắt tay vào công việc của một năm mới.

Hiện trung tâm có 154 cán bộ nhân viên y tế đảm bảo lọc máu chu kỳ cho 320 bệnh nhân. Các nhân viên y tế mỗi ngày lọc 3 ca, 2 kíp, ca cuối cùng thường kết thúc vào 8h tối, sau khi rửa máy, khoảng 9h họ mới trở về nhà.

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, vấn đề nhân lực của bệnh viện khá căng thẳng vì điều dưỡng các khoa có thể hỗ trợ cho nhau nhưng các khoa khác không thể thay thế nhân viên y tế chạy thận. Nói cách khác, chạy thận nhân tạo bắt buộc kỹ thuật viên thận nhân tạo mới làm được.

{keywords}
Các điều dưỡng ở Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu trong ca trực một ngày cuối năm

Là bệnh nhân có bệnh nền, nếu mắc Covid-19 nguy cơ diễn biến nặng sẽ rất cao. Bên cạnh đó nếu bệnh nhân đưa mầm bệnh từ ngoài vào lây cho các y bác sĩ sẽ khiến nhân lực bị ảnh hưởng. Vì vậy các bệnh nhân phải test nhanh hàng ngày khi lọc máu, các y bác sĩ test PCR 1 tuần/lần.

Theo TS.BS Dũng, bệnh nhân đa số đều có ý thức phòng chống dịch. Anh nhớ nhất là trường hợp một bệnh nhân trẻ mắc Covid-19. Sau khi lọc máu, bệnh nhân về quê và phát hiện có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đang bị cách ly, bệnh nhân gọi cho TS.BS Dũng òa khóc: “Em rất áy náy vì em mà có thể lây cho y tá, bác sĩ và không may lây cho bệnh nhân khác thì em rất ân hận”.

Sau khi động viên bệnh nhân bình tĩnh, TS.BS Dũng nhắc bệnh nhân báo ngay cho đội phòng dịch tại đia phương, mình là bệnh nhân chạy thận để được bố trí nơi điều trị phù hợp. Sau hơn 2 tuần, bệnh nhân xét ngiệm đã trở về âm tính và tiếp tục lọc máu tại Bạch Mai, tuy nhiên anh không vượt qua được bệnh tật.

‘Ở đây không có ngày nghỉ Tết’

Ngày giáp Tết, tại tầng 4 của Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, các quả lọc máu vẫn chạy liên tục để lọc máu cho các bệnh nhân. 4 nhân viên ngồi theo dõi quy trình, mỗi ca lọc kéo dài 4 tiếng đồng hồ.

Theo các y tá, 6h30, họ phải có mặt tại viện để chuẩn bị ca lọc máu đầu tiên. Khi hết bệnh nhân, công việc của họ mới kết thúc.

“Nhiều sự cố không lường được như bệnh nhân cao huyết áp, bị tụt huyết áp, rách quả lọc, tuột kim, chảy máu chân kim… Nếu không xử lý kịp sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh”, chị Hà Kim Điệp, điều dưỡng tại Trung tâm cho biết.

{keywords}
Một bệnh nhân đang chạy thận.

Có trường hợp đang lọc máu, bệnh nhân rét, người run cầm cập, tái mét, tím tái. Lúc này, các điều dưỡng phải dừng việc lọc máu, dùng thuốc để can thiệp.

Do đặc thù công việc, nhiều năm nay, họ không có khái niệm về nghỉ Tết. Không chỉ vậy, ngày Tết các nhân viên y tế còn đối mặt với những ca cấp cứu, bất kể ngày đêm.

Những “người nhà” đặc biệt ở trung tâm chạy thận

Ở Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, bệnh nhân chạy thận lâu nhất là 27 năm, đa số là các bệnh nhân trên 10 năm. Ngày 29/1 âm lịch, anh Trịnh Viết Năm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sẽ trải qua ca chạy thận cuối cùng của năm, sau 4  tiếng lọc máu anh sẽ trở về đón Tết bên gia đình và sẽ trở lại bệnh viện vào mùng 2 Tết.

Phát hiện mắc suy thận từ 10 năm trước, cũng là từng đó năm anh phải chạy thận. Quãng thời gian đủ dài để anh Năm quen với việc đón Tết trong bệnh viện.

“Hai vợ chồng tôi bán thịt tại chợ Cầu Lủ (Hoàng Mai, Hà Nội). Sáng 6h, tôi đưa vợ ra chợ rồi vào viện chạy thận. Trưa chạy thận xong, tôi lại ra chợ để phụ vợ bán, dọn hàng”, anh nói. Vợ anh, 5 năm trước, cũng phát hiện mắc ung thư vòm họng. “Hai vợ chồng đi bệnh viện nhiều hơn ở nhà”, anh nói.

“Ban đầu tôi cũng buồn lắm khi nhìn người ta hối hả đi sắm Tết, trang trí nhà cửa, còn mình chỉ lo xem lịch chạy thận ngày bao nhiêu, có kịp về nhà đón giao thừa hay không. Mấy năm đầu, tôi còn phải "chạy" cả mùng 1 Tết, nhưng vài năm gần đây được các bác sĩ sắp xếp lịch cho mình tránh mùnng 1, để mọi người được ở nhà cùng gia đình ngày đầu năm.

{keywords}
Ở đây, bệnh nhân chạy thận lâu nhất là 27 năm, đa số là các bệnh nhân trên 10 năm.

Anh Lê Văn Trường, huyện Khoái Châu, Hưng Yên (30 tuổi) có 9 năm chạy thận. Trước đây, anh tự đến bệnh viện chạy thận hàng tuần, nhưng 5 năm nay từ khi bị tai biến, mất thị giác một mắt, bố anh phải chở đi.

“Ở đây, mọi người có bệnh như mình, cũng giống mình nên mình cũng đỡ tủi thân”, anh nói. Tương tự, bà Phạm Thị Oanh (62 tuổi, quận Long Biên) cũng có 11 năm chạy thận.

“Có năm, mùng 1 Tết, chạy thận xong tôi về nhà. Ngày Tết, 2 bên đường vắng lặng, không tránh nổi sự tủi thân”, bà nói.

“Như người nhà” là cách so sánh các y bác sĩ nói về bệnh nhân ở đây do họ trải qua thời gian dài gắn bó với bệnh viện.

“Những cán bộ y tế chuyên về thận nhân tạo, điều trị cho những bệnh nhân lọc máu hàng chục năm như vậy nên rất hiểu và thông cảm với với sự vất vả, khó khăn của người bệnh. Tâm nguyện của chúng tôi là làm được gì tốt nhất để giảm bớt những vất vả họ đang phải chịu đựng”, TS.BS Dũng chia sẻ thêm.

Ngọc Trang

Nhân viên y tế TP.HCM: Mong gia đình bình an, chúng tôi ở lại chống dịch

Nhân viên y tế TP.HCM: Mong gia đình bình an, chúng tôi ở lại chống dịch

Một buổi “hội quân” đặc biệt với 700 nhân viên y tế, tình nguyện viện chống dịch vừa diễn ra tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. "Bình an" là ước nguyện mà nhân viên y tế muốn gửi gắm đến gia đình.