Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bệnh viện đang điều trị cho 130 ca Covid-19. Trong số này, có 3 bệnh nhân nguy kịch, 6 bệnh nhân nặng, các trường hợp còn lại có diễn tiến bệnh ở mức trung bình.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là một trong những cơ sở điều trị thuộc tầng 3 của hệ thống phân luồng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội, được Sở Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy cơ cao. Đại diện bệnh viện cho biết, nhiều F0 chuyển nặng thuộc đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền.
Ngoài Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng là cơ sơ sở y tế thuộc tầng điều trị thứ 3 ở Hà Nội. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 68 ca Covid-19. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận trên dưới 5 bệnh nhân Covid-19.
Hiện Bệnh viện Thanh Nhàn có 3 F0 chuyển nặng, phải thở oxy, trong đó có 2 bệnh nhân thở oxy dòng cao và 1 bệnh nhân thở oxy mask. Những trường hợp này đã tiêm vắc xin Covid-19, tuy nhiên do họ đều mang bệnh nền, điển hình là phổi tắc nghẽn mạn tính, nên có nguy cơ cao. Các bác sĩ đánh giá, tiên lượng của 3 bệnh nhân này tương đối khả quan.
Ngoài 3 bệnh nhân phải thở oxy, các bệnh nhân Covid-19 còn lại đang điều trị tại bệnh viện chưa có dấu hiệu chuyển nặng và tổn thương phổi. Theo phân bổ của Sở Y tế, Bệnh viện Thanh Nhàn có thể tiếp nhận điều trị tối đa 250 bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng được các tỉnh thành phía Bắc, trong đó có Hà Nội chuyển đến gia tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Bệnh viện đang tiếp nhận điều trị tổng số 428 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 45 trường hợp thở oxy, 31 ca phải thở máy, 4 trường hợp thở HFNC (oxy dòng cao), 3 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) và 13 trường hợp lọc máu liên tục.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tại Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho 2 bệnh nhân có địa chỉ ở Hà Nội.
"Cả 2 bệnh nhân đều khá nặng và phải thở máy. Trong đó, một bệnh nhân 79 tuổi đã tiêm 2 mũi vắc xin, nhưng vừa hoàn thành tiêm chủng chưa lâu thì mắc bệnh. Trường hợp còn lại là sản phụ mang bầu 29 tuần chưa tiêm vắc xin", bác sĩ Phúc thông tin.
Bác sĩ lưu ý, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng nhưng vắc xin chỉ bắt đầu có hiệu quả, giúp sản sinh miễn dịch ở ít nhất 2 tuần sau tiêm. Do vậy, người dân không nên chủ quan mà lơ là các khuyến cáo phòng dịch của ngành y tế.
“Mọi người cần tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), tránh việc tụ tập đông người để hạn chế lây nhiễm”, bác sĩ Phúc nói.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ, các tỉnh thành nên đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn tiến nặng và tử vong, đặc biệt là nhóm trên 50 tuổi.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tới hết ngày 23/11, toàn TP đã triển khai 31 đợt tiêm vắc xin Covid-19. Tổng số đã tiêm được 10.198.715 mũi tiêm, sử dụng 9.409.476 liều vắc xin/9.929.056 liều vắc xin được cấp, đạt tiến độ 94,8%.
Kết quả tiêm cộng dồn cho nhóm đối tượng người cao tuổi như sau:
Người trên 65 tuổi: tiêm được 1.321.330 mũi tiêm/tổng số 724.924 đối tượng (mũi 1: 688.621, đạt 95%; mũi 2: 632.709 , đạt 87,3%).
Nhóm người 50-64 tuổi: tiêm được 2.246.049 mũi tiêm/tổng số 1.198.172 đối tượng (mũi 1: 1.170.463, đạt 97,7%, mũi 2: 1.075.586, đạt 89,8%).
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội mới nhất
Quỳnh Anh
6 trẻ em Hà Nội có phản ứng nhẹ sau tiêm vắc xin Covid-19 trong ngày đầu
Những trẻ em này gặp các phản ứng phụ như buồn nôn, ớn lạnh, sốt dưới 39 độ. Đây đều là các phản ứng thông thường có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Pfizer.