Đây là ngày thứ 2, các nhân viên y tế của bệnh viện tiếp tục cầm băng rôn đòi quyền lợi. Chị Lê Thanh Bình, nhân viên phòng kế toán của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, bức xúc, trưa 12/1, sau khi nhân viên y tế căng băng rôn đòi quyền lợi (ngày 11/1) lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức một cuộc họp.

Theo chị Bình, nội dung cuộc họp chỉ mang tính chất động viên, còn lương của các nhân viên y tế “phía lãnh đạo vẫn bảo cố gắng chờ đợi, không có lịch cụ thể khi nào trả”.

Cụ thể từ tháng 5-11/2021, khoảng 160 nhân viên y tế của bệnh viện chỉ được nhận 50% tiền lương. Đến tháng 12/2021, họ không nhận được lương và tháng 1/2022 dự báo không có lương với lời giải thích “không có nguồn thu vào để chi được lương”.

{keywords}
4h30 chiều 12/1, nhân viên y tế ở Bệnh viện Tuệ tĩnh căng băng rôn đòi quyền lợi

Theo chị Bình, tình trạng này chưa bao giờ xảy ra tại đơn vị cho đến năm 2019 khi có quyết định Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng quy định của Nhà nước và Học viện. Nhân viên y tế bị cắt hết thưởng chỉ còn lương tuy nhiên họ phản ánh “năm 2021 vừa rồi, lương cũng không được đảm bảo nữa”.

Ngoài ra vấn đề khiến họ bức xúc là “một cơ quan nhưng hai chế độ”. Theo chị Bình, chỉ có 160 cán bộ công nhân viên (nhân viên đang làm việc tại khối bệnh viện) không được đảm bảo về trả lương, còn các khối khác thuộc học viện vẫn được đảm bảo lương thưởng, các khoản phúc lợi. “Chúng tôi cảm như con rơi trong bầy con chung. Hôm qua là “giọt nước tràn ly” nên chúng tôi mới xuống đường. Cực chẳng đã nhân viên y tế mới phải làm vậy”, chị bức xúc.

Cũng theo chị Bình, khối bệnh viện chủ yếu y tá, điều dưỡng, kỹ thuật viên, lương tính theo hệ số. Chị Bình công tác tại viện trong 13 năm, cả lương và phụ cấp chị sẽ được nhận 4,8 triệu đồng nhưng nhiều tháng nay chị chỉ nhận được 50%.

“Nếu tính 50%, các nhân viên hợp đồng khác chỉ từ 1-3 triệu đồng”, chị Bình nói.

Các nhân viên y tế phản ánh, công việc nhiều vì dịch bệnh nhưng không những không được thêm tiền hỗ trợ, đến lương họ cũng không nhận được đầy đủ.

Cũng theo chị Bình, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được ra đời với mục đích cho sinh viên được đào tạo tại khối học viện thực hành, các bác sĩ trẻ được nâng cao tay nghề. Bệnh viện này không phải là bệnh viên phục vụ khám chữa bệnh như các bệnh viện khác. Bệnh viện điều trị chủ yếu về đông y, bệnh mãn tính kéo dài thời gian…Từ năm 2019 đến giờ, quá nhiều tác động khách quan như dịch Covid-19 nên nguồn thu bệnh viện không đáp ứng. Vì vậy, việc Bệnh viện xin tách ra tự chủ khiến các chế độ lương, phụ cấp nhân viên không được đảm bảo.

“Vì không được đảm bảo về lương, chúng tôi phải làm thêm. Các bác sĩ, y tá có nghiệp vụ riêng… sẽ đi đấm bóp kiếm tiền thêm ngoài giờ. Những người khác ở quê có trồng rau thì mang lên Hà Nội để bán, có người lại chạy grap, xe ôm, ship hàng… Chúng tôi làm hết để có tiền trang trải cuộc sống”, chị Bình nói.

Bản thân chị Bình có 3 con nhỏ, chồng chị là lái xe. Vì mức lương vợ không đủ nên anh phải làm gấp đôi, gấp 3 công việc để lo cho gia đình. Ngoài ra, họ cũng phải nhờ sự hỗ trợ của họ hàng nội ngoại.

“Có gia đình, 2 vợ chồng đều là y tá ở bệnh viện, phải thuê nhà, cuộc sống rất khốn khổ. Có nữ nhân viên còn kéo xe ba gác ra chợ La Khê (Hà Đông) để bán rau. Sau giờ làm ở viện, bán đến 9h đêm”, chị Bình nói.

Vì vẫn làm việc theo giờ hành chính và thực hiện ca, kip trực đêm, các nhân viên y tế chỉ tranh thủ thời gian ngoài giờ để làm thêm các công việc khác kiếm tiền sống qua ngày.

{keywords}
Họ yêu cầu được trả số lương bị nợ từ tháng 5/2021

“Chúng tôi yêu cầu trả lương bị nợ từ tháng 5/2021. Đây là mồ hôi công sức của chúng tôi”, chị Bình nhấn mạnh.

Dược sĩ Nguyễn Thị Tuyết, khoa Dược, Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã làm việc tại bệnh viện từ 2009. Từ tháng 5/2021, chị nhận được 50% lương, hai tháng gần đây đã không nhận được lương.

“Hiện mức lương của tôi là 5,4 triệu đồng. Tháng 5, tôi nhận được thông báo từ trưởng khoa phòng là sẽ nhận được 50% lương do thu nhập của bệnh viện không có”, chị nói.

Chị có hai cháu nhỏ, một cháu học lớp 2, một cháu học lớp 4, với mức thu nhập như vậy cuộc sống của gia đình đã rất khó khăn. Hiện tại, mức lương không được chi trả đủ, nữ nhân viên y tế này phải chắt bóp chi tiêu, nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình, ông bà ở quê gửi thực phẩm lên.

Trong đợt dịch vừa qua, chị và các đồng nghiệp vẫn làm việc ở viện, vừa hỗ trợ vận chuyển vắc xin. Sáng, họ Viện Dịch tễ, Bệnh viện Việt – Đức để lấy vắc xin về, ngày nào tổ chức tiêm thì mang vắc xin xuống điểm tiêm, khi kết thúc lại mang về kho lưu trữ. Nhiều ngày công việc của họ đến 18-19h mới kết thúc.

“Những việc này cũng không có trợ cấp, không có ngoài giờ. Chúng tôi vẫn đảm bảo công việc. Đến nay đã 8 tháng, nhưng đến thời điểm này chúng tôi phải xuống đường để nhờ đến sự trợ giúp của cộng đồng. Thật sự chúng tôi không còn cách nào khác. Với 50% lương là 2,7 triệu đồng/tháng và đến giờ là không nhận được lương nữa chúng tôi đã “kiệt sức” rồi. Tết đến nơi rồi, chúng tôi phải làm vậy thôi”, chị nói thêm.

Cũng như chị Tuyết, chị Kim Thoa, nhân viên bệnh viện, cũng “khổ sở” với thu nhập mà hiện tại không được chi trả. “Ở Thủ Đô, mỗi tháng nhận 2,7 triệu đồng và hai tháng nay không nhận được đồng nào thì sống sao được? Tôi phải dựa vào thu nhập của chồng, gia đình hai bên để nuôi hai con nhỏ”, chị nói.

{keywords}
 

Cũng theo chị Tuyết, nhiều cán bộ y bác sĩ phải đi bán rau, làm shiper… có gì bán đấy, để trang trải cuộc sống.

“Tôi làm ở viện từ 2005, đã cống hiến gần 20 năm, rất muốn gắn bó. Rất nhiều người nghỉ, có những bạn hợp đồng 9-10 năm phải nghỉ. Đợt dịch chúng tôi vẫn phải phục vụ tiêm chủng, vẫn phục vụ bệnh nhân. Công việc không hề giảm, thậm chí còn nhiều hơn trước nhưng đến giờ không nhận được đồng lương nào”, chị cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo VietNamNet đã liên hệ với đại diện Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhưng chưa nhận được phản hồi.

Chiều ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.

Ngọc Trang

BV Tuệ Tĩnh ‘xin’ ứng tiền: ‘Chuyện 10,2 tỷ đồng, chúng tôi nghe suốt 2 tháng qua’

BV Tuệ Tĩnh ‘xin’ ứng tiền: ‘Chuyện 10,2 tỷ đồng, chúng tôi nghe suốt 2 tháng qua’

Theo đại diện công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế ứng tiền để trả lương từ 2 tháng trước nhưng hiện tại nhân viên y tế bệnh viện vẫn chưa nhận được bất cứ khoản nào.

Vụ nhân viên y tế bị ‘bỏ đói’: Bệnh viện Tuệ Tĩnh ‘xin’ Bộ Y tế tạm ứng 10,2 tỷ đồng

Vụ nhân viên y tế bị ‘bỏ đói’: Bệnh viện Tuệ Tĩnh ‘xin’ Bộ Y tế tạm ứng 10,2 tỷ đồng

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đề nghị Bộ Y tế tạm ứng trước cho Bệnh viện số tiền là 10,2 tỷ đồng để chi trả lương, phụ cấp nợ từ tháng 5/2021 cho cán bộ viên chức và người lao động.

Vụ 40 nhân viên y tế 'xuống đường' đòi nợ lương: Học viện Y học cổ truyền lên tiếng

Vụ 40 nhân viên y tế 'xuống đường' đòi nợ lương: Học viện Y học cổ truyền lên tiếng

Trước sự việc 40 cán bộ y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh "xuống đường" gây sức ép đòi nợ lương, Học viện Y học học cổ truyền đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí để trả lương người lao động.