Anh Ian Haydon, chuyên gia truyền thông của Đại học Washington, là một trong 45 người đầu tiên tham gia vào đợt thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 ở Seattle (Mỹ). Sáng 8/4, anh được tiêm mũi đầu tiên vào vai trái. Haydon cảm thấy hoàn toàn bình thường, chỉ hơi nhói đau ở chỗ tiêm.
Sau đó, anh được đưa cho một chiếc nhiệt kế và cuốn nhật ký để ghi lại nhiệt độ và bất cứ triệu chứng nào phát sinh mỗi ngày. Vào đầu tháng 5, anh tới tiêm mũi thứ hai.
Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi anh có khỏe mạnh và liệu cơ thể anh có sản sinh ra kháng thể hay không. Giai đoạn đầu của cuộc thử nghiệm kéo dài 14 tháng.
Anh Haydon thấy may mắn khi được tham gia vào quá trình thử nghiệm. Ảnh: Time 24 News
Haydon biết về cuộc thử nghiệm vắc xin của Kaiser Permanente từ một người đồng nghiệp ở trường đại học. Chàng trai 29 tuổi đã điền thông tin cá nhân (tuổi, nghề nghiệp, tiền sử bệnh) vào bản đăng ký mà không đặt nhiều hy vọng được chọn.
Mười một ngày sau, chuông điện thoại của anh reo lên. “Tôi gọi thông báo về nghiên cứu vắc xin mà anh có thể quan tâm”, một người giới thiệu đang làm ở Kaiser nói.
“Tôi thấy thật phấn khích khi được tham gia. Tôi may mắn khi có sức khỏe tốt”, Haydon chia sẻ.
Chỉ trước khi đi gặp bác sĩ, anh mới nói với bố mẹ và bạn gái. “Tôi nghĩ bố mẹ tôi tự hào về tôi. Mẹ tôi có thể lo lắng một chút, điều đó cũng dễ hiểu thôi”, anh nhớ lại.
Gia đình Haydon có một kỷ niệm buồn liên quan tới dịch cúm của Mỹ vào năm 1919. Cụ của anh đã chết trong đợt dịch khi mới 23 tuổi. Ông của anh khi đó mới được 18 tháng tuổi.
Đó cũng là một phần lý do anh hy vọng vắc xin này sẽ đạt hiệu quả. Như vậy, số lượng người chết sẽ ít đi và hàng triệu người khác sẽ bớt mất mát hơn trong đại dịch Covid-19.
Ống tiêm chứa 250 microgram vắc xin phòng Covid-19
Buổi tối hôm trước, anh đã đọc một bản thỏa thuận dài 20 trang nhưng ở trong phòng kiểm tra, bác sĩ và Haydon rà soát cam kết một lần nữa. Nhân viên y tế dành 20 phút để kiểm tra sức khỏe, lấy máu, hỏi han về tiền sử bệnh của anh.
Loại vắc xin phòng Covid-19 liên quan tới một chiến lược tương đối mới. Thông thường, vắc xin sử dụng virus bị làm yếu hoặc một phần mầm bệnh tiêm vào cơ thể người khỏe mạnh để kích thích phản ứng miễn dịch.
Nhưng vắc xin lần này truyền vào cơ thể Haydon một vật liệu di truyền. Nếu theo đúng phân tích của các nhà khoa học, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại phân tử virus.
Các thử nghiệm tương tự đã đem lại kết quả tốt mặc dù một số người phàn nàn bị sưng tấy, đau ở chỗ tiêm, mỏi cơ và đau đầu.
“Sẽ có những mối nguy hiểm và không ai biết chúng là gì - đó là lý do cần thử nghiệm. Mọi loại thuốc hoặc vắc xin để được lưu hành đều cần thử nghiệm trước trên cơ thể con người”, Haydon thẳng thắn chia sẻ.
Mỗi người tình nguyện nhận được 1.000 USD nếu tham gia trọn vẹn quá trình.
An Yên (Theo Washington Post, MIT Technology Review)
Cuộc sống ở đất nước hiếm hoi chưa có bệnh nhân Covid-19
Vanuatu hiện là một trong rất ít nước chưa phát hiện người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của quốc đảo ở Châu Đại dương đang bị đe dọa bởi cơn bão mạnh cấp 5.