Đông trứng vì chưa tìm được bạn trai

Chị Minh Tuyết, 47 tuổi ở Hà Nội là một phụ nữ thành công trong sự nghiệp. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành ngôn ngữ tại nước ngoài, chị về nước làm giảng viên tiếng Anh tại một trong những trường đại học lớn nhất nước.

Xinh đẹp, giỏi giang nhưng đời sống tình cảm chị Tuyết không suôn sẻ. Ngày còn trẻ, chị chuyên tâm học hành nên trì hoãn sinh con, sau này lại tiếp tục đi tu nghiệp nên hai vợ chồng lục đục rồi ly hôn.

Nhiều năm qua, chị có rất nhiều bạn trai theo đuổi nhưng chưa ưng ai. Gần đây nghe người quen giới thiệu, chị đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để tư vấn gửi trứng.

{keywords}

Bình nitơ lỏng trữ trứng và phôi của bệnh nhân tại trung tâm

Chị chia sẻ, rất quý nguồn gene của mình nên muốn lưu trữ lại, đợi khi gặp được người bạn đời phù hợp sẽ làm thụ tinh ống nghiệm để sinh con. Tuy nhiên khi làm xét nghiệm AMH để đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng, chỉ số này chỉ còn 0,1 ng/mL (bình thường từ 2,2 – 6,8 ng/mL), tức buồng trứng đã bị suy, sắp bước vào thời kỳ mãn kinh.

Trực tiếp tư vấn cho chị Tuyết, ThS.BS Trịnh Thị Ngọc Yến khuyên chị nên kích trứng để gửi càng sớm càng tốt, vì nếu mãn kinh rồi dù có dùng thuốc nội tiết vẫn không thể kích được trứng.

Tuy nhiên trong chu kỳ kích trứng lần đầu, chị Tuyết chỉ thu được 1 quả. Tiếp tục kích lần 2 cũng chỉ thêm 1 quả.

BS Yến cho biết, nếu đông trứng đơn thuần, luôn có tỉ lệ thoái hoá nhất định khi rã đông, do đó chị khuyên bệnh nhân nên xin tinh trùng để tạo phôi, sau đó gửi phôi thì tỉ lệ thành công cao hơn.

Nghe theo lời khuyên của BS Yến, chị Tuyết đã xin tinh trùng tại trung tâm để tạo phôi, may mắn thành công cả 2 phôi, hiện đang bảo quản trữ đông vì chị vẫn chưa có ý định mang thai.

Trường hợp khác cũng đang trữ trứng tại trung tâm là một người đẹp nổi tiếng. Ở tuổi ngoài 30, người đẹp này quyết định trữ trứng đơn thuần để chờ sau này sinh con vì sợ thêm tuổi, chức năng buồng trứng suy giảm, chất lượng trứng kém đi.

Tuy nhiên bác sĩ mới chọc được 5 trứng để bảo quản, trong khi con số mong muốn cho mỗi lần kích trứng từ 8-15 quả.

Theo BS Yến, vài năm trở lại đây, số lượng chị em phụ nữ đến trung tâm trữ trứng ngày càng nhiều. Trong số đó có nhiều cô gái độc thân không có ý định lấy chồng hoặc đang đợi đối tác…

“Trào lưu” gửi trứng ngày càng tăng do ngày càng có nhiều phụ nữ thành công, đạt được nhiều nấc thang trong sự nghiệp nên muốn có con muộn hơn hoặc có ý định làm single mom.

Trước khi điều trị ung thư nên gửi trứng

BS Yến chia sẻ, ngoài những trường hợp nữ giới khoẻ mạnh đến trữ trứng, trung tâm cũng tiếp nhận không ít những bệnh nhân kém may mắn do mắc ung thư, bệnh nội tiết, u xơ… muốn trữ trứng đề phòng trường hợp rủi ro sau này.

Ngày 1/10, chị Nguyễn Thuỷ Tiên, 36 tuổi ở Hải Phòng đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép để làm thủ tục trữ trứng. Chị Tiên đã ly hôn với chồng, có một cô con gái nhỏ xinh xắn nhưng mới đây chị được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3.

{keywords}

Chị Tiên đến trung tâm làm các thủ tục để gửi trứng

Bác sĩ chỉ định chị cần hoá xạ trị trước khi phẫu thuật và khuyên chị nên đi trữ trứng vì tuổi còn trẻ, sau này khi ung thư thoái lui hoàn toàn sẽ có thể tiếp tục làm mẹ. Trường hợp không trữ trứng, sau khi dùng hoá chất, buồng trứng sẽ bị teo nhỏ, thoái hoá.

Với bệnh nhân thông thường, muốn kích trứng sẽ phải đợi đúng ngày thứ 2 chu kỳ kinh, tuy nhiên với trường hợp chị Tiên, bác sĩ chỉ định kích thích buồng trứng “cấp cứu”, thực hiện ngay do bệnh nhân không còn nhiều thời gian.

Trẻ hơn chị Tiên 6 tuổi, Đỗ Thị Trang ở Hưng Yên được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 3. Ở tuổi 30, chưa lập gia đình, tin mắc ung thư ập đến khiến cô gái trẻ suy sụp hoàn toàn.

Trang đã có nhiều ngày thất thần, muốn buông xuôi tất cả nhưng sau khi được bác sĩ, gia đình động viên, cô đã quyết định cắt bỏ một bên vú, sau đó đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để gửi trứng. May mắn trong 2 tuần, Tiên trữ được 6 trứng và vẫn kịp thời gian bước vào đợt điều trị hoá chất.

Trường hợp trẻ nhất đông trứng tại trung tâm mới 19 tuổi. Cô bé đau khớp háng suốt 2 năm nay, đi khám nhiều nơi nhưng được chẩn đoán viêm xương, cho thuốc về uống nhưng mãi không đỡ.

Gần đây khi tình trạng đau tăng nhiều không thể đi lại, gia đình mới đưa em đến Bệnh viện Việt Đức kiểm tra, bác sĩ kết luận bị ung thư xương, chỉ định cắt bỏ sau đó xạ trị.

Nhờ bác sĩ giới thiệu, gia đình đưa em đến trung tâm để kích trứng, may mắn được 17 quả, tất cả đều đã được trữ đông để sau này em có cơ hội làm mẹ từ chính trứng của mình.

Theo BS Yến, quy trình trữ trứng khá đơn giản. Với phụ nữ khoẻ mạnh sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng từ ngày thứ 2 chu kỳ kinh trong 9-12 ngày liên tục. Sau đó bác sĩ sẽ tiêm thuốc rụng trứng. 36 tiếng sau tiêm thuốc sẽ bắt đầu chọc hút để lấy noãn mang đi bảo quản trong nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C.

Với những trường hợp buồng trứng còn tốt, trong một lần kích có thể thu được 15-20 quả, nhưng nhiều trường hợp khác do bị suy buồng trứng sớm nên dù còn rất trẻ nhưng mỗi lần kích chỉ được 1-2 quả, thậm chí kích nhiều lần không được quả nào.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép cho biết, trước đây việc lưu trữ trứng không quá phổ biến, thường chỉ áp dụng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, tuy nhiên hiện nay nhu cầu này rất đa dạng.

Chi phí trữ đông trứng cũng không quá đắt với tổng chi phí ban đầu khoảng 40 triệu đồng cho kĩ thuật kích trứng, tách noãn. Sau đó phí duy trì mỗi năm chỉ hơn 1 triệu đồng.

“Tuy nhiên so với thế giới, độ tuổi gửi trứng tại Việt Nam hơi già, phổ biến 35-40 tuổi, trong khi chất lượng trứng tốt nhất cần lấy trước 35 tuổi. Chưa kể nhiều trường hợp mới ngoài 20 tuổi nhưng buồng trứng đã suy giảm, thoái hoá như người 40-50 tuổi”, PGS Hà chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Khang Sơn, Trưởng Lab IVF thuộc Trung tâm cho biết thêm, khi bảo quản phôi, tỉ lệ thành công khi rã đông có thể lên tới 99%, tuy nhiên với bảo quản trứng, có một tỉ lệ nhất định bị thoái hoá do trứng chứa rất nhiều nước, khi đông lạnh sẽ dễ hình thành các tinh thể đá nội bào gây phá hủy cấu trúc trứng.

Do đó, một số trường hợp có quá ít trứng, bác sĩ có thể tư vấn xin tinh trùng để tạo phôi rồi gửi phôi. Còn lại sẽ áp dụng phương pháp đông lạnh thủy tinh hóa để ngăn hình thành các tinh thể đá, giảm lệ trứng thoái hóa sau rã đông.

Với những trường hợp nữ giới không may mắc ung thư, PGS Sơn khuyên nên đi trữ trứng trước khi bắt đầu quá trình hoá trị, xạ trị để bảo tồn chất lượng và số lượng trứng.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Cô gái Hà Nội 25 tuổi có buồng trứng lão hoá như 50, không thể có con

Cô gái Hà Nội 25 tuổi có buồng trứng lão hoá như 50, không thể có con

Cô gái trẻ độc thân hoàn toàn suy sụp khi nghe bác sĩ thông báo, buồng trứng đã lão hoá như phụ nữ mãn kinh, không thể có con.