Ngày 29/9, BS CKII Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa kịp thời can thiệp cứu sống bé T.L.Q. (11 tuổi, ngụ Tiền Giang) uống thuốc ngủ tự tử.

Theo đó, bé Q. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu trong tình trạng hôn mê, chức năng gan, thận đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi độc chất liều cao của thuốc ngủ ức chế thần kinh.

{keywords}

Bé Q. hiện đã tỉnh táo và vui vẻ

Tại bệnh viện, nhân viên y tế phải tra tên thuốc dựa theo gợi nhớ của gia đình và thực hiện các xét nghiệm định tính máu và nước tiểu. Bác sĩ xác định thuốc ngủ có hoạt chất từ phenobarbital, thuốc ức chế thần kinh và chống co giật thường gặp.

Bác sĩ Thy cho biết, các nhóm thuốc người tự tử hay dùng gồm các loại như: Phenobarbital, Benzodiazepine (thuốc ngủ Seduxen) và nhóm ức chế 3 vòng Amitriptyline. Nhóm này khi uống vào lúc đói, uống quá liều sẽ gây biến chứng của tình trạng ngủ, như ức chế tim, ức chế thần kinh trung ương, gây xoắn đỉnh, thông thường chỉ khoảng 30 phút là đi vào giấc ngủ.

Ngay sau khi xác định dạng thuốc ngủ, các bác sĩ đã tiến hành giải độc, đồng thời thực hiện xét nghiệm định tính nồng độ thuốc. Sau gần một tuần trị liệu tăng thải độc và kiềm hoá nước tiểu, bé Q. đã tỉnh hẳn, cai máy thở.

Nhớ lại thời gian nằm mê man trên giường bệnh, bé Q. cảm nhận được cha mẹ khóc rất nhiều và thấy hối hận về hành động của mình.

“Con cứ nghĩ cha mẹ hết thương con vì làm gì cha mẹ cũng không vừa ý. Bởi vậy, con lấy tiền tiêu vặt ra tiệm thuốc tây năn nỉ cô bán thuốc cho con với giá 70.000 đồng về uống”, bé Q. kể lại.

Bác sĩ Thy cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp vị thành niên tìm đến cái chết được cứu sống. Các em bị áp lực học đường, bất mãn gia đình, phân bì tình cảm anh em, tâm tư tuổi mới lớn không ổn định, áp lực cuộc sống dẫn đến trầm cảm, ức chế. Khi các em không thể chịu đựng nổi nữa thì tìm đến cái chết.

Với các trường hợp phát hiện muộn, đã có biến chứng thì dù được cứu sống cũng vẫn ảnh hưởng đến các cơ quan như: tim, gan, thận, lâu hơn sẽ gây viêm phổi.

Với trường hợp trải qua một lần tự tử, thần kinh khó còn được bình thường như trước. Hậu quả lớn nhất chính là chấn thương tâm lý không hề nhỏ cho chính bệnh nhân và cho gia đình của họ.

Để tránh hiện tượng này xảy ra, phụ huynh cần quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con. "Sự bế tắc, nhất là về tinh thần của con người, rất cần được giải tỏa. Bởi trong tích tắc của sự u tối trong suy nghĩ, mạng sống của con người có thể bị đánh mất", bác sĩ Thy chia sẻ.

Mộc Khuê

Người đàn ông bị trầm cảm và bi kịch 3 lần tự sát, kích động tới ngồi tù

Người đàn ông bị trầm cảm và bi kịch 3 lần tự sát, kích động tới ngồi tù

Chuỗi ngày bi kịch của ông Nam khởi đầu từ khi mắc bệnh trầm cảm. Trong suốt 24 năm, ông "sống mà như không sống", luôn chán chường, dằn vặt, đã 3 lần tìm đến cái chết.