Liên quan đến ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM, hiện đã phát hiện 36 trường hợp là nhân viên và người tiếp xúc gần mắc Covid-19.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 13/2, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM, thông tin, kết quả giải trình tự gene toàn bộ các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 của công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam VIAGS đều thuộc chủng A.23.1. Đây là biến chủng lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Chủng A.23.1 xuất phát từ Uganda, Trung Phi từ tháng 12/2020 và hiện đã lây lan tới 14 quốc gia, trong đó có Anh, Canada, Campuchia, Việt Nam (theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm GISAID).

{keywords}

Việt Nam thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 

“Về mặt lý thuyết, chủng A.23.1 có khả năng lây lan nhanh. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tiễn, chưa có báo cáo hoặc bằng chứng chủng virus này lây lan nhanh hơn”, PGS Lân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định: “Mức độ chuỗi lây truyền ở TP. HCM không cao bởi thời gian xuất phát điểm của các ca bệnh đầu tiên ở đây từ 15 tới 17 ngày. Về mặt lý thuyết, có thể lây nhiễm nhanh, nhưng trong trường hợp cụ thể tại đây, lây nhiễm từ chủng A.23.1 tương tự các chủng cũ, thậm chí thấp hơn chủng ở Đà Nẵng, Hải Dương”.

So với 2 biến chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay là B.1.1.7 tại Anh và B.1.351 tại Nam Phi, chủng A lây truyền ít quốc gia hơn. Song GISAID đánh giá, chủng A.23.1 là một trong những "mối quan tâm sinh học tiềm ẩn”.

Ngày 10/2, nhóm các nhà khoa học của Uganda đăng tải báo cáo sơ bộ trên trang medRxiv (Mỹ), cho thấy tỷ lệ lây nhiễm virus dòng A tăng lên nhanh chóng tại quốc gia này trong vòng 1 năm.

Ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại thủ đô Kampala, Uganda vào tháng 3/2020, suốt từ đó đến tháng 10, số người nhiễm chủng A chỉ chiếm 20-25% nhưng đến đầu năm 2021, chủng A.23.1 chiếm tới 98% với 49/50 ca bệnh.

Hiện tại, Uganda đã ghi nhận hơn 39.000 ca nhiễm Covid-19 và 328 trường hợp tử vong.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, biến chủng A.23.1 mã hoá nhiều thay đổi di truyền trong protein đột biến, trong đó có protein nsp6, spike, ORF8, ORF9, tương tự như chủng B.117, B.1.351 và chủng P.1 tại Brazil.

Những thay đổi đột biến này ảnh hưởng đến vùng tạo miễn dịch, vùng liên kết thụ thể và vị trí phân cắt furin.

Nghiên cứu này chưa được giới khoa học các nước xem xét, đối chiếu. Tác động của A.23.1 tại Uganda vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, những dữ liệu ban đầu cho thấy, biến chủng mới có thể có tốc độ lây lan tương tự chủng tại Anh và Nam Phi.

Hiện tại, Anh cũng đã ghi nhận 55 ca nhiễm biến chủng A.23.1. Cơ quan Y tế Công cộng Anh đang điều tra thêm về A.23.1 do tìm thấy biến chủng này chứa đột biến E484K từng tìm thấy trong biến thể B.1.351 ở Nam Phi. Đến nay, các nhà khoa học tin rằng đột biến E484K trong biến chủng B.1.351 khiến vắc xin kém hiệu quả hơn.

Vào tuần trước, Nam Phi đã ra thông báo tạm ngừng sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 2.000 người cho thấy, vắc xin không có hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm từ virus biến chủng mới.

Trong nhóm được chích vắc xin có 19 người bị nhiễm virus và trong nhóm giả dược có 20 người bị nhiễm.

Hôm 28/1, hãng Novavax công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng bước đầu cho thấy vắc xin của hãng chỉ đạt hiệu quả được 50% đối với các bệnh nhân ở Nam Phi, trong khi tỷ lệ ở Anh lại đạt đến 89,3%. Vắc xin của hãng Johnson&John cũng chỉ đạt hiệu quả 57% với biến chủng tại Nam Phi.

Thúy Hạnh

Chùm ca bệnh Tân Sơn Nhất biểu hiện rất nhẹ, âm tính nhanh

Chùm ca bệnh Tân Sơn Nhất biểu hiện rất nhẹ, âm tính nhanh

Đến ngày 14/2, TP.HCM đã xác định 35 trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.