Ngày 21/10, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, vừa tiếp nhận hai ca đái tháo đường biến chứng nặng, rối loạn toan chuyển hóa nghiêm trọng. Trong đó, bệnh nhân 68 tuổi đã được người nhà xin về vì không qua khỏi dù thở máy tích cực và lọc máu. Điều đáng nói, bệnh nhân có sử dụng một loại sản phẩm có tên là Tiểu đường hoàn, vốn đã bị Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn thu hồi vào tháng 3/2019.
Loại thuốc mà bệnh nhân mua trên mạng để điều trị bệnh tiểu đường. Ảnh: Phan Nhơn
Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó Khoa hồi sức tích cực và chống độc cho biết, bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường 10 năm nay, gần đây bà có mua 2 loại thuốc có nhãn mác Trung Quốc để dùng. Sau khi uống người phụ nữ bị nhiễm toan lactic do chất cấm phenformin, bệnh nhân khi nhập viện được tiến hành lọc máu. Song, tình trạng diễn tiến nặng nên gia đình xin đưa về nhà vào chiều 20/10.
Ngoài bệnh nhân trên, BV Thống Nhất cho biết, hiện còn bệnh nhân nặng đang điều trị sau khi dùng thuốc tiểu đường có chất cấm. Bệnh nhân là bà V.T.B.L (60 tuổi, ngụ quận Tân Bình) và viện ở tình trạng đau lưng, mỏi cơ xương khớp, xét nghiệm thấy bị nhiễm toan lactic rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Khi sắp rơi vào hôn mê bệnh nhân được chuyển đến Khoa hồi sức tích cực của viện.
Tại đây, bà L. được điều trị bằng nội khoa, sau 2 ngày bệnh nhân ổn định đường huyết và chuyển qua Khoa nội yêu cầu để tiếp tục theo dõi.
Bệnh nhân cho hay, loại thuốc bà uống có tên là thuốc trị tiểu đường hoàn do Công ty Difoco sản xuất được quảng cáo trên mạng. Thuốc này đã từng bị Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấm lưu hành và yêu cầu thu hồi vào tháng 3 năm 2019. Khi dùng được 3 tháng bệnh không hết mà bệnh nhân phải nhập viện khẩn cấp.
Có hai người nhập viện vì bị toan chuyển hóa do dùng thuốc có chứa chất cấm phenformin. Bệnh nhân này may mắn cấp cứu kịp thời nên đã giữ lại tính mạng. Ảnh: Phan Nhơn
Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh cho biết thêm từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận 4-5 trường hợp bị toan chuyển hóa rất nặng, nguy kịch sau khi uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc chứa chất cấm phenformin.
Chuyên gia khuyến cáo, chất phenformin đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới vào những năm 1980, song tại Việt Nam thuốc trôi nổi chứa chất cấm này vẫn xuất hiện nên thỉnh thoảng bệnh viện tiếp nhận một vài trường hợp bị toan chuyển hóa do chất cấm này.
Chất cấm phenformin sẽ gây ra một số biên chứng cho người bệnh như: mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ. Khi tình trạng nặng dần sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác và suy hô hấp. Biến chứng này rất nghiêm trọng có thể đe dạo tính mạng gây đến tử vong.
Phan Nhơn