Đêm 21/5, bé gái cất tiếng khóc chào đời tại phòng mổ cách ly, Khoa Ngoại Sản, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Mẹ của con là sản phụ Lò Thị K. (33 tuổi, người Điện Biên). Vợ chồng chị lấy nhau 11 năm nay nhưng hiếm muộn, sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm mới có tin vui. Không may, chị K. nhiễm Covid-19 khi đang bầu 35 tuần.
Những tuần gần cuối thai kỳ, sản phụ diễn biến xấu, phổi tổn thương nặng, tình trạng suy hô hấp tăng dẫn tới suy thai. Các bác sĩ lập tức chỉ định mổ cấp cứu để giữ an toàn cho cả mẹ và con.
Bé gái kiên cường ra đời giữa tâm dịch, nặng 2,6kg, nhưng người mẹ chuyển hôn mê, phải đưa về Khoa Hồi sức tích cực, thở máy.
Các bác sĩ can thiệp oxy cho sản phụ trong quá trình phẫu thuật |
Bé gái khi chào đời, nặng 2,6kg |
Những giờ đầu đời của trẻ không có mẹ kề bên, gia đình từ Điện Biên xa xôi cũng chưa bắt xe xuống kịp để chăm sóc con. Lúc này, điều dưỡng ở Khoa Nhi của bệnh viện đã vắt sữa, tặng lại cho em bé.
Chị N.T.H.A. (27 tuổi), một trong hai điều dưỡng trong câu chuyện chia sẻ với VietNamNet, chị cùng điều dưỡng N.T.O. đều có con nhỏ 6-7 tháng tuổi, đang trong giai đoạn ăn sữa mẹ. Nhận được thông tin bé vừa ra đời, rất cần sữa, các chị đã nhanh chóng vắt ra 3 bình, gửi lên Khoa, cho trẻ ăn dần trong 24h.
Thời điểm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có lệnh cách ly y tế (ngày 5/5), điều dưỡng H.A. và O. vẫn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhi ở Khoa. Tuy nhiên, những ngày sau, Khoa Nhi bắt đầu tiếp nhận ca dương tính, họ được ưu tiên không tham gia công tác điều trị, chuyển cách ly tại khu riêng để có thể sớm trở về với con.
Các chị đã đủ 3 lần âm tính SARS-CoV-2, bởi vậy nguồn sữa vắt tặng bé sơ sinh rất an toàn. “Biết tin, mình chỉ thấy thương bé. Bản thân mình cũng nuôi con nên hiểu sữa mẹ quý giá thế nào. Người mẹ lại đang hôn mê, em bé rất thiệt thòi”, điều dưỡng H.A. nói.
Hiện tại, bé gái được cô ruột chăm sóc ở phòng cách ly riêng trong Khoa Nhi, hai cô cháu đã xét nghiệm SARS-CoV-2, kết quả âm tính. Do mẹ vẫn bất tỉnh, con chưa được gia đình đặt tên.
Những ml sữa quý giá được hai nữ điều dưỡng vắt tặng em bé |
Hoàn cảnh xa con có lẽ càng khiến điều dưỡng N.T.H.A. xót xa hơn khi nghe chuyện về bé gái vừa chào đời.
Chị H. A. đã ở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hơn 20 ngày nay, từ khi bệnh viện thực hiện cách ly y tế (ngày 5/5). Con trai 7 tháng tuổi buộc phải chuyển sang uống sữa công thức. Trước đó, bé uống sữa mẹ hoàn toàn.
Chồng chị một mình chăm sóc con, ông bà ở vùng dịch Bắc Ninh nên không thể qua giúp đỡ. Những ngày đầu chị H.A. vắng nhà, con trai khóc ngặt đòi mẹ, khi ngủ liên tục rúc xung quanh để tìm ti. Bé uống sữa công thức không quen, mấy ngày đầu thì tiêu chảy, mấy ngày sau lại táo bón. Mất khoảng gần một tuần thay liên tục các loại sữa, em bé mới ăn được và bớt quấy khóc hơn.
Ở bệnh viện, sữa về nhiều, bầu ngực chị H.A. cương tức, đau đớn, phải dùng máy vắt sữa ra ngoài. “Xót con vì cháu còn quá nhỏ. Con ở nhà thì khát sữa, quấy khóc, mẹ ở đây lại phải bỏ sữa đi”, chị H.A. nói.
Nữ điều dưỡng chia sẻ, chị chưa rõ khi nào được về nhà vì vẫn đang trong thời gian cách ly. Điều chị lo lắng nhất là sữa hiện không về nhiều, nếu để lâu có thể mất hẳn, không còn sữa cho con bú. Mong ước lớn nhất của chị cũng như tất cả nhân viên y tế có con nhỏ là sớm được trở về gặp con.
“Cả người mẹ đang hôn mê kia, mình tin trong tinh thần chị ấy cũng có khát khao mãnh liệt được tỉnh dậy để ôm con. Hy vọng chị ấy sớm khỏe lại, sau đó mẹ và bé có thể gặp nhau”. điều dưỡng H.A. nói.
Nguyễn Liên
Y bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 đeo khẩu trang cả khi ngủ
Để tránh cho nhau nguy cơ lây nhiễm, sau giờ làm việc, y bác sĩ thường ăn riêng, không tiếp xúc gần. Đặc biệt, họ đeo khẩu trang cả khi ngủ dù rất bí bách, khó chịu…