Giới chuyên môn đã sớm biết, trong đại dịch có thể xảy ra tình trạng tái nhiễm ở các bệnh nhân Covid-19. Một trong những ca đầu tiên là người đàn ông 33 tuổi đến từ Hong Kong. Lần mắc bệnh thứ nhất của anh vào tháng 3/2020. Lần nhiễm thứ hai, với một chủng virus SARS-CoV-2 khác, xảy ra gần 5 tháng sau.
Sau đó, các ghi nhận về hiện tượng tái nhiễm trở nên phổ biến, đặc biệt kể từ khi xuất hiện Omicron. Nghiên cứu ban đầu của Nam Phi cho thấy nguy cơ tái nhiễm tăng lên nhanh chóng sau khi biến thể mới xuất hiện.
Ảnh minh họa: Times of India
Lý do tình trạng tái nhiễm gia tăng
Câu trả lời đơn giản là khả năng miễn dịch của chúng ta không còn đủ để ngăn ngừa bệnh. Điều này có thể do sự xuất hiện của một biến thể mới như Omicron với các đột biến khiến hệ miễn dịch khó nhận biết hơn. Hoặc do khả năng miễn dịch đã suy yếu kể từ lần cuối chúng ta bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng.
Thêm vào đó, virus SARS-CoV-2 thường xâm nhập vào cơ thể con người qua đường mũi và cổ họng. Miễn dịch trong lớp niêm mạc của những khu vực này có xu hướng tồn tại tương đối ngắn so với miễn dịch toàn thân. Điều này giải thích khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, thường bắt nguồn từ phổi, kéo dài hơn bảo vệ chống lại nhiễm trùng.
Tính đến ngày 6/2/2022, ở Anh đã có hơn 14,5 triệu ca mắc Covid-19 lần đầu và khoảng 620.000 ca tái nhiễm. Hơn 50% tổng số ca tái nhiễm được ghi nhận từ ngày 1/12/2021, cho thấy nguy cơ tăng lên đáng kể khi Omicron lan tràn.
Văn phòng Thống kê Quốc gia của Vương quốc Anh (ONS) dự tính tỷ lệ tái nhiễm tăng gấp 15 lần. Hiện tại, số ca tái nhiễm chiếm tổng cộng 10% tổng số bệnh nhân Covid-19 mắc mới, so với 1% vào tháng 11/2021.
Triệu chứng tái nhiễm có nhẹ hơn?
Nói chung, các trường hợp tái nhiễm ít nghiêm trọng hơn so với lần đầu mắc Covid-19 do người bệnh đã có một số khả năng miễn dịch. Ngoài ra, nhiều người tiêm vắc xin giữa các lần mắc bệnh, giúp nâng cao hơn nữa mức độ miễn dịch của họ.
Mặc dù miễn dịch chống lại nhiễm virus và phát triển các triệu chứng suy yếu, khả năng bảo vệ chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong có vẻ lâu bền hơn nhiều.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của lần mắc bệnh thứ 2 phụ thuộc vào thời điểm và loại biến thể.
ONS ước tính, tái nhiễm Alpha chỉ gây ra triệu chứng cho 20% tổng số ca. Trong khi đó, tỷ lệ này khi tái nhiễm Delta và Omicron lần lượt là 44% và 46%.
Mức độ nghiêm trọng của Covid-19 thay đổi từ biến thể này sang biến thể khác. Tuy nhiên, rất khó để biết khác biệt như thế nào do sức mạnh của các biến thể hay do khả năng miễn dịch có được từ vắc xin và từng nhiễm bệnh.
An Yên (Theo Conversation)
Các triệu chứng Covid-19 khiến bệnh nhân hoang mang nhất
Ngoài sốt, ho, đau đầu, bệnh nhân Covid-19 còn phải đối mặt với một số biểu hiện kéo dài và nguy hiểm liên quan tới tim, mất khứu giác/vị giác, sương mù não.