Bộ Y tế vừa điều chỉnh rút ngắn thời gian tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại từ 6 tháng xuống còn 3 tháng dành cho người trên 18 tuổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là phương án phù hợp để tạo miễn dịch bền vững cho cộng đồng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của biến thể Omicron ít nhiều gây lo ngại xảy ra tình trạng tái nhiễm với các F0 đã khỏi bệnh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tái nhiễm là tình trạng người mắc Covid-19 đã khỏi lại nhiễm chủng khác với chủng gây bệnh lần đầu.

{keywords}
F0 mắc Covid-19 có thể tái nhiễm biến thể mới.

“Muốn biết chính xác là tái nhiễm hay không và với chủng nào, phải thực hiện giải trình tự gen”, Tiến sĩ Hùng cho biết. Tuy nhiên, tái nhiễm rất hiếm gặp. Ông dẫn chứng, thời gian qua Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ gặp 2 trường hợp tái nhiễm thật sự.

Tiến sĩ Hùng cho biết, sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu, sau một khoảng thời gian sẽ suy yếu và mất đi. Hoặc kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không phù hợp để bảo vệ cơ thể trước chủng mới nên người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới.

Sau khi Omicron xuất hiện, nhiều quốc gia đẩy mạnh tiêm liều nhắc lại, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để kết luận mũi 3 có hiệu quả với biến thể Omicron hay không, ông cho rằng, không ai chắc chắn.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết không kết luận được liều nhắc lại sẽ hiệu quả với Omicron. “Nhưng chắc chắn, nó sẽ tăng cường miễn dịch cho người dân”, bác sĩ Khanh nhận định. 

Theo bác sĩ Khanh, mức độ các triệu chứng khi tái nhiễm sẽ giảm nhẹ hơn so với trước đó. Ở một số trường hợp, lần mắc bệnh sau có triệu chứng nặng hơn lần đầu thì rất có thể lần đầu không nhiễm bệnh. "Chúng ta phải dựa trên kết quả giải trình tự gen, có 2 biến thể khác nhau ở 2 lần nhiễm”, ông nhấn mạnh. 

Một nghiên cứu tại Đại học Y Missouri (Mỹ) cho thấy tỷ lệ tái nhiễm ở những người từng mắc Covid-19 là 0,7%, thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm. Việc tái nhiễm Covid-19 có thể hiểu tương tự như việc người bệnh có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần với 4 chủng khác nhau.

{keywords}
Tái nhiễm xảy ra với tỷ lệ rất thấp với Covid-19.

Trong khi đó, tái dương lại là hiện tượng phổ biến hơn, có thể xảy ra ở thời điểm 90 ngày sau nhiễm. Xét nghiệm ban đầu của người bệnh là dương tính, sau đó lại có kết quả âm tính, xét nghiệm tiếp theo lại dương tính.

Tuy nhiên virus lúc này chỉ là xác, khi nuôi cấy thì không hoạt động. “Những trường hợp hiện nay tại Việt Nam, người bệnh đang nhầm lẫn rằng bị mắc bệnh lại, nhưng thực tế đều là tái dương, không phải tái nhiễm”, bác sĩ Khanh cho hay.

Ở một số bệnh như Zona, sau khi khỏi, virus Herpes có thể tồn tại ở dạng ngủ. Khi cơ thể mệt mỏi, yếu, virus đang ngủ sẽ bùng lên gây bệnh. “Đây là tình trạng tái phát vì virus vẫn tồn tại trong cơ thể. Tai phát không xảy ra với bệnh Covid-19”, tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho biết.

Trước tình hình dịch Covid-19 hiện tại và nguy cơ xâm nhập của biến thể Omicron, vắc xin vẫn là giải pháp chủ động quan trọng nhất. Hiện TP.HCM đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm liều bổ sung và nhắc lại cho các đối tượng cụ thể, đặc biệt là nhóm nguy cơ. Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, TP đã tiêm 15 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó mũi 3 đạt hơn 100.000 liều.

“Chúng tôi chỉ lo không đủ vắc xin, nếu đủ, mong rằng sẽ tiêm mũi 3 càng sớm càng tốt cho người dân”, một bác sĩ chia sẻ. 

Linh Giao

Hình ảnh cho thấy tốc độ lan nhanh không tưởng của Omicron ở Mỹ

Hình ảnh cho thấy tốc độ lan nhanh không tưởng của Omicron ở Mỹ

Một biểu đồ thể hiện biến thể Omicron nhanh chóng vươn lên vị trí thống trị ở Mỹ chỉ trong nửa tháng.