{keywords}
 

Phi công Anh đã đi gần trọn một vòng tử sinh, từ chuyến bay định mệnh đến Buddha bar, từ BV Nhiệt đới đến Chợ Rẫy, từ phụ thuộc ECMO hoàn toàn giờ đã bắt đầu tập hít thở bằng lá phổi tưởng chừng chỉ có thể cắt bỏ.

Khi bệnh nhân này kết thúc hành trình 65 ngày điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới, phóng viên mới có thể trò chuyện với ê-kíp điều trị ban đầu của phi công Anh. Họ đã mất 2 tháng ăn ngủ, trò chuyện với bệnh nhân và phải cách ly thêm 14 ngày sau khi anh được chuyển sang BV Chợ Rẫy.

{keywords}
{keywords}

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân được xem như là người kề cận với bệnh nhân đặc biệt. Chị là bác sĩ trẻ nhất trong nhóm 33 chuyên gia điều trị cho phi công. Nữ bác sĩ nhỏ nhắn, 28 tuổi, là người bền bỉ nhất trong giai đoạn đầu chăm sóc bệnh nhân 91.

Chị Xuân nhớ lại, ngày 18/3, bệnh nhân nhập viện, đến 23/3, anh bắt đầu suy hô hấp nên ê-kíp hồi sức tích cực tiến hành hội chẩn cùng khoa Nhiễm D. “Diễn tiến nặng hơn nên đến 26/3, khoa Hồi sức chính thức tiếp nhận phi công. Ngày 4/4, bệnh nhân trở nặng, buộc phải đặt nội khí quản, gây mê. Sau đó một ngày, 2 bác sĩ của BV Chợ Rẫy sang tăng cường thì bệnh nhân bắt đầu được cho chạy ECMO”, bác sĩ Xuân nói.

Một nhóm gồm 33 chuyên gia đầu ngành hồi sức, truyền nhiễm, vi sinh, dược, dinh dưỡng … đã được thành lập và luôn “online” hội chẩn để đưa ra chỉ định cho bệnh nhân 91. Những diễn tiến bất thường về bệnh cảnh đã đặt bác sĩ vào tình trạng “ném đá dò đường”. Việc neo giữ sinh mạng cho phi công người Anh là nhiệm vụ quan trọng, các bác sĩ lao vào nghiên cứu tạp chí y khoa, cách điều trị trên thế giới.

“Virus SARS-nCoV-2 rất khó lường,  chúng tôi vừa điều trị vừa đọc các bài báo nghiên cứu của Trung Quốc, Ý, Đức. Những e-mail gửi đi liên tục mỗi ngày để hội ý tham khảo với các chuyên gia nước ngoài. Chỉ như vậy mới có những đánh giá tổng quan, những thử nghiệm mới được cân nhắc áp dụng điều trị cho phi công Anh”.

{keywords}
Kíp bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM đồng hành cùng phi công Anh hơn 65 ngày đầu

Nhắc đến phi công Anh, nhiều người nói đến “cơn bão cytokine” khiến bệnh nhân trở nặng, suy đa tạng. Song, ít ai biết sau 2 ngày đầu chạy ECMO, bệnh nhân giảm tiểu cầu do Heparin (hội chứng kháng tiểu cầu do Heparin) nên không thể cầm được máu khiến ê-kíp nín thở.

Một phương án đưa ra là sử dụng thay thế thuốc argatroban để cầm máu. “Lúc đó, thầy Trần Quang Bính, thầy  Nguyễn Trường Sơn (Thứ trưởng Bộ Y tế) bảo rằng các em cứ cố gắng chuyên môn, thuốc sẽ về. Khoảng 24 giờ sau, loại biệt dược này từ Hàn Quốc được nhập về và đưa ngay vào điều trị cho bệnh nhân. Để có được thuốc là sự nỗ lực của tất cả các mối quan hệ ngoại giao, y tế, hàng không... Thật sự, phi công Anh được điều trị tốt nhất trong hoàn cảnh mà cả thế giới bị Covid-19 bủa vây”, bác sĩ Xuân tâm sự.

{keywords}
 

Trong khoảng 2 tuần đầu, ê-kíp nỗ lực tột cùng nhưng cũng dự liệu rằng khả năng bệnh nhân tử vong là có thể xảy ra. Bệnh nhân vừa cải thiện được việc đông máu, Covid-19 lại dai dẳng đánh vào phổi đến mức chỉ còn 10% hoạt động. Đó cũng là lúc những bác sĩ kề cận bệnh nhân cảm thấy tuyệt vọng tận cùng.

“Phổi phi công Anh gần như phải cắt bỏ, các thầy trong ban điều trị đã lên phương án ghép phổi. Rất may, sau hai tuần, dấu hiệu lạc quan bắt đầu nhích dần lên được chút xíu, chúng tôi lại động viên nhau không bỏ cuộc”, bác sĩ Xuân chia sẻ.

Vấn đề ghép phổi được đặt ra trong mỗi cuộc hội chẩn trực tuyến, song đó là bài toán khó có lời giải. Phi công có một lồng ngực lớn, thuộc một chủng tộc khác với người Á đông, nếu ghép phổi, khả năng đào thải cao, rối loạn đông máu. Ngoài ra, sau ghép, người bệnh phải uống thuốc ức chế miễn dịch liều cao sẽ khó lòng giữ được phổi. Vô vàn khó khăn, các bác sĩ nhiều lúc tưởng đang đi trong một đường hầm tăm tối.

Tuy nhiên, sự kiên trì bằng phương pháp vật lý trị liệu phổi, kết hợp hút đờm sau 2 tuần tiếp theo khiến phổi nhích từ 10 lên 30% hoạt động. Bác sĩ suy đoán kết quả khả quan này một phần do virus không còn đánh chiếm lá phổi của phi công.

“Kề cận phi công chứng kiến sự hồi phục, bạn mới hiểu rằng cảm giác tận cùng tuyệt vọng khi đi trong đường hầm tăm tối rồi đột nhiên bước ra ánh sáng, là cám giác tột đỉnh của hạnh phúc, hân hoan mà không gì diễn tả nổi”, nữ bác sĩ trẻ không giấu được niềm xúc động.

{keywords}

Suốt hai tháng, bệnh nhân 91 được cho thuốc an thần, nghỉ ngơi sâu trong giấc ngủ.

Bác sĩ Xuân bộc bạch, ê-kíp BV Bệnh nhiệt đới ngày nào cũng thủ thỉ vào tai phi công để động viên anh. Cho đến khi thấy những cử động ngón tay đầu tiên của bệnh nhân, họ mới biết dù anh đang dùng thuốc an thần nhưng tri giác vẫn còn nhận biết, nghe được lời bác sĩ.

{keywords}

Bệnh nhân có xét nghiệm lúc âm tính khi dương tính nCoV, khó lý giải được về mặt khoa học. Nhưng tất cả bác sĩ vẫn tuân thủ các quy định như điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Họ chịu đựng cảnh mặc đồ bảo hộ bít bùng suốt 8 tiếng trong phòng hồi sức để chăm sóc bệnh nhân, kiên trì khích lệ để trong cơn mộng mị, bệnh nhân cảm nhận mình còn sống, kích thích các hệ thần kinh.

Mỗi ngày, các y bác sĩ đều mở ghi âm, video của những người bạn gửi từ Anh, Đức cho phi công nghe, những bài hát anh yêu thích do chính bạn anh tư vấn. Họ xem đó như một liều thuốc an ủi tâm hồn và kích thích một cơ thể đang rệu rã vì bệnh tật.

{keywords}

Ê-kíp điều trị gồm 4 nhóm xoay tua liên tục, mỗi tua 8 tiếng như vậy suốt hơn 2 tháng cùng bệnh nhân 91. Họ ở bên cạnh, trò chuyện, chăm sóc cho phi công Anh mà không về nhà cho đến khi bệnh nhân  qua BV Chợ Rẫy và cách ly thêm 14 ngày.

“Chúng tôi ở bên cạnh phi công thời gian dài nên có phần nảy sinh tình cảm, không xem anh ấy là bệnh nhân mà như một người thân”, bác sĩ Xuân nói.

Vốn quen thuộc với nhịp làm việc, tất bật vì phi công Anh mỗi ngày, ê-kíp điều trị thấy trống vắng khi anh được chuyển viện. Họ đã đến thăm anh ở BV Chợ Rẫy. Cuộc hội ngộ bất ngờ, bệnh nhân dường như nhận ra những giọng nói quen thuộc của các bác sĩ bên BV Bệnh nhiệt đới, anh rưng rưng nước mắt, huyết áp tăng, nhịp tim loạn khi có phần xúc động. “Chúng tôi vì nhớ anh quá đã qua Chợ Rẫy thăm, song tự dưng thấy anh khóc chúng tôi không đành lòng nên không dám đến thăm nữa”, bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới cho hay.

Hơn 65 ngày đầu của phi công Anh là “tranh tối tranh sáng” trong vòng vây cận tử rồi le lói hồi sinh. Anh đã được bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới chăm sóc yêu thương và bàn giao cho BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị vào ngày 22/5. Đến nay, sau hơn 2 tuần ở đây, tiến trình phục hồi của phi công thực sự diệu kỳ. Lá phổi hồi sinh từ 30% lên gần 60 %, anh không còn phụ thuộc ECMO, thở máy mà bắt đầu tập thở, ăn  theo đường tiêu hóa, các chức năng gan thận hồi phục bình thường.

{keywords}

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cám ơn Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Tiểu ban điều trị của Bộ Y tế, đã tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp tục chăm sóc bệnh nhân 91 cho viện. Ông đặc biệt biết ơn tập thể các bạn đồng nghiệp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã thực hiện tốt vai trò chuyên môn giai đoạn tiếp nhận phi công. Tự hào khi được tin tưởng giao bệnh nhân 91, toàn bộ bác sĩ bệnh viện cũng nhận thấy đây là thách thức khi phải làm sao cứu bằng được phi công Anh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế.

Hiện, ngoài bác sĩ BV Chợ Rẫy còn có các chuyên gia đầu ngành toàn quốc phối hợp hội chẩn để tìm phương án điều trị. “Việc chữa cho bệnh nhân sử dụng trí tuệ, kinh nghiệm của các giáo sư, các thầy trong ngành y trên toàn quốc kết hợp với các bác sĩ đang trực tiếp điều trị để huy động sức mạnh tập thể. Hội chẩn tầm quốc gia được mở liên tục”, bác sĩ Thức chia sẻ.

Bác sĩ Thức đánh giá phi công Anh đã có hy vọng sống. Khoảnh khắc mang tính bước ngoặt về mặt chuyên môn là khi cai ECMO, cai thở máy cho bệnh nhân 91. Thời điểm đó đánh dấu khả năng sống của người này có hay không. Hiện, BV Chợ Rẫy thành lập một tổ chuyên môn đặc biệt để chăm sóc, đảm bảo vật lý trị liệu, vệ sinh kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đến hôm nay (15/6), phi công Anh đã cai được thở máy 3 ngày, tự thở với oxy hỗ trợ 2 lít/phút. Bệnh nhân tỉnh, có thể giao tiếp tốt bằng lời nói, tiếp xúc tốt, chức năng thận đã phục hồi, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. 

Sức cơ 2 tay đang dần hồi phục về mức gần bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5. Theo các các sĩ, phi công Anh cần thêm thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động. Trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới nên bệnh nhân vẫn được tổ chuyên môn chăm sóc đặc biệt, theo dõi sát sao.                              

Bài: Phan Nhơn; Thiết kế: Quốc Dũng

Phi công Anh ngừng dùng kháng sinh, tự thở suốt 2 ngày

Phi công Anh ngừng dùng kháng sinh, tự thở suốt 2 ngày

Bệnh nhân 91, phi công Anh đã ngưng hoàn toàn kháng sinh trong khi trước đó dùng kết hợp 2-3 loại. Bệnh nhân cũng tự thở được 48 giờ.