Mỹ đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phản ứng của chính phủ đối với đại dịch Covid-19 khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố: "Covid-19 không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta".
Vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ nhập viện, trở nặng. Ảnh minh họa: Publichealthmdc
Tháng 3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch toàn cầu do sự lây lan nhanh chóng của Covid-19.
Nhiều chuyên gia tin rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ bị diệt trừ. Đến một lúc nào đó, thế giới sẽ chuyển đổi từ “đại dịch” sang giai đoạn “bệnh đặc hữu”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa bệnh đặc hữu “là sự hiện diện thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một cộng đồng tại một khu vực địa lý”.
Đại dịch là một loại bệnh dịch lan rộng, nhanh chóng với các ca bệnh gia tăng theo cấp số nhân trên một khu vực rộng lớn.
Trong khi đó, bệnh đặc hữu thường xuyên xuất hiện và có tốc độ lây lan khá dễ đoán. Khả năng dự đoán đó cho phép hệ thống chăm sóc sức khỏe và bác sĩ chuẩn bị, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng.
Nhân viên y tế tiêm phòng cho sinh viên tại New Orleans (Mỹ)
Tiến sĩ Daniel McQuillen, Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ, giải thích, để một đại dịch chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu cần có một nền tảng nhất định.
Điều này đồng nghĩa dù một số người vẫn sẽ nhiễm bệnh nhưng đó sẽ không phải là một con số cao quá mức với những hậu quả nặng nề khiến công chúng, hệ thống bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ bị quá tải.
Cúm mùa là một ví dụ về virus đặc hữu. Cúm H1N1 từng gây ra đại dịch lây lan qua nhiều biến thể, như cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cúm lợn năm 2009. Các biến thể này hiện là một phần của virus đường hô hấp mà chúng ta thường gặp.
Tiến sĩ Paul Goepfert, Đại học Alabama, nhận định: “Không có một quy tắc đơn giản, cứng nhắc nào cho thấy thời điểm đại dịch trở thành bệnh đặc hữu”.
Khi chưa biết liệu sắp có một biến thể khác và đoán định được loại hình bệnh, vẫn còn quá sớm để biết tình hình bệnh dịch ở một quốc gia đã đạt đến giai đoạn bệnh đặc hữu chưa.
Đó là lý do nhiều người Mỹ lo ngại còn quá sớm để bỏ các quy định về khẩu trạng. Tình trạng lây nhiễm còn nhiều, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch vẫn dễ bị mắc bệnh.
Tuy nhiên, Tiến sĩ McQuillen cho biết, các hướng dẫn mới của CDC là sự thay đổi hợp lý.
“Chúng ta sẽ chuyển từ việc cố gắng ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh chuyển sang đối phó với ngăn ngừa bệnh nặng và làm thế nào để hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải, tránh ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường khác”, Tiến sĩ McQuillen nói.
“Tôi nghĩ hướng dẫn mới của CDC phản ánh cách ứng phó với đại dịch cần phải linh hoạt”, Tiến sĩ Natasha Chida, Đại học Johns Hopkins, đánh giá.
Vị chuyên gia cho rằng đại dịch không phải là một yếu tố tĩnh. Công suất bệnh viện ở một số nơi còn yếu, vì vậy sẽ rất vất vả để xử lý các các ca bệnh gia tăng do đó sẽ có lợi từ việc đeo khẩu trang. Nhưng khi các con số liên quan tới Covid-19 thấp, chúng ta có thể có một cuộc sống bình thường.
Khẩu trang phát miễn phí tại siêu thị ở Mỹ
Bất chấp các hướng dẫn mới, nhiều chuyên gia do dự khi đánh giá Mỹ đã bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu hay chưa, vì chỉ thời gian mới cho thấy liệu một biến thể mới có xuất hiện và gây ra biến động tương tự hay không.
“Giai đoạn bệnh đặc hữu là khi bạn nhìn thấy những con số liên tục thấp, hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể kiểm soát và mọi người nhận được sự chăm sóc cần thiết”, Tiến sĩ Chida nói.
Để chuẩn bị và ngăn chặn một làn sóng khác, các chuyên gia McQuillen, Goepfert và Chida đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn cho các sáng kiến y tế cộng đồng. Trong đó bao gồm việc phân phối vắc xin công bằng trên toàn cầu, tăng cường cung cấp các phương pháp điều trị và thử nghiệm.
An Yên (Theo GMA)
Lúc nào Việt Nam có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?
Sẽ đến lúc Covid-19 là bệnh đặc hữu với cách thích ứng phù hợp. Tuy nhiên, nguy cơ làn sóng dịch mới, biến thể mới, năng lực điều trị có thể sẽ kéo dài thời điểm được mong đợi này.
Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu
Thủ tướng giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Từ đại dịch đến bệnh đặc hữu
Số ca F0 ở Hà Nội đang ngày một gia tăng nhưng tâm thức xã hội đối với virus đã khác trước rất nhiều, khi Covid-19 được nhìn nhận như bệnh đặc hữu.